Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên đất đế kinh (tiếp theo)

Đức Huy| 02/10/2010 07:31

(HNM) - Cho đến hiện tại, khu di tích Cổ Loa chưa có được một bản quy hoạch tổng thể đúng nghĩa và phù hợp, dù đã có nhiều văn bản quản lý ở những tầm mức khác nhau, do nhiều cấp ban hành, có cả những văn bản có hai từ

Cho đến hiện tại, khu di tích Cổ Loa chưa có được một bản quy hoạch tổng thể đúng nghĩa và phù hợp, dù đã có nhiều văn bản quản lý ở những tầm mức khác nhau, do nhiều cấp ban hành, có cả những văn bản có hai từ "quy hoạch". Cho đến năm nay, việc xây dựng "Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa - bao gồm quy hoạch mặt bằng sử dụng đất, quy hoạch bảo tồn, quy chế quản lý - đang trong giai đoạn "dựng khung". Với một di tích lớn như Cổ Loa, việc xây dựng quy hoạch không đơn giản, không phụ thuộc vào nỗ lực riêng của Hà Nội và trong thực tế, Chính phủ và Hà Nội đã dành sự ưu ái đáng kể cho việc bảo tồn khu di tích đặc biệt này nhưng dù gì, những thăng trầm lịch sử và sự chậm trễ trên phương diện quản lý đã để lại hệ lụy đáng nói. Phần việc quản lý khu di tích Cổ Loa được khởi động từ lâu, đã qua "nhiều tay", từ chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội và bây giờ là Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, thể hiện nỗ lực của Hà Nội trong công tác bảo tồn một Cổ Loa đã trở thành di tích đặc biệt cấp quốc gia kể từ năm 1962.


Học sinh, sinh viên tham quan Am Bà chúa Mỵ Châu.Ảnh: Nguyệt Ánh

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Cổ Loa, mang tính khoa học rõ ràng hay là sự tổng hợp ý tứ dân gian, những huyền tích, huyền thoại đến nay vẫn còn lưu truyền. Đáng kể là các tác phẩm - công trình của PGS Đỗ Văn Ninh, của GS Trần Quốc Vượng - từ "Cổ Loa trung tâm của nhà nước Âu Lạc" đến "Cổ Loa truyền thống và cách mạng", "Hà Nội như tôi hiểu"... của nhiều tác giả trong cuốn "Phát hiện Cổ Loa 1982", của TS Lại Văn Tới với "Cổ Loa trung tâm hội tụ của văn minh sông Hồng"...

Nghiên cứu và thống kê của TS Lại Văn Tới (Viện Khảo cổ học Việt Nam) chỉ ra rằng ở Cổ Loa có những di chỉ khảo cổ học đã bị xóa sổ hoàn toàn như Đường Mây, Cầu Vực, Bãi Mèn; một số khác có nguy cơ bị xóa sổ, như Xuân Kiều, Đồng Vông, Mả Tre, Xóm Hương... "Cả ba vòng thành và các hào nước của di tích đều bị phá hoại, bị lấn chiếm làm đất canh tác hoặc để ở. Theo điều tra gần đây của Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội (tháng 7-2007), có 758 hộ dân vi phạm khu vực bảo vệ của thành và 403 hộ khác vi phạm khu vực bảo vệ của hào" (TS Lại Văn Tới).

Những báo cáo khác của UBND huyện Đông Anh và UBND xã Cổ Loa cũng được thực hiện trong khoảng thời gian nói trên, về cơ bản không có gì khác so với điều đã dẫn ở trên. Vào ngày 17-1-2007, UBND xã Cổ Loa đã có văn bản báo cáo thống kê hiện trạng sử dụng đất ở trên thành, chân thành. Nếu tính cả ba vòng thành Nội, Ngoại, Trung thì trên đất Cổ Loa lúc đó có hơn nghìn hộ dân (chừng 4 nghìn khẩu) sống trong gần nghìn ngôi nhà (hơn 200 nhà xây hai tầng) được xây trong phạm vi bảo vệ di tích. Trong số ấy có nhà xây từ lâu lắm rồi, nhưng cũng có nhà xây mới rải rác ở những thôn Thượng, Mít, Chùa, Vang, Hương, Nhồi Dưới, Lan Trì... Số liệu về sự vi phạm, nếu có khác thì chỉ là do quan điểm về vành đai bảo vệ của phía tiến hành khảo sát và lập báo cáo mà thôi. Phạm vi bảo vệ, tính từ chân thành mở rộng ra 20m, 50m hay 100m là đúng, là đủ, là hợp lý?

Đó là số liệu từ ba năm trước. Đến thời điểm này, dù chính quyền các cấp đã duy trì sự quản lý việc sử dụng đất mạnh tay, chặt chẽ hơn rất nhiều so với trước kia, sự thể vẫn có thể tồi tệ hơn, đơn giản là bởi "người ta sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng cho con, lẽ nào không cơi nới trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình?"
* *
*
Rậm rịch mãi thì cuối cùng con đường rải nhựa từ chợ Sa (Cổ Loa) tới chợ Tó thuộc đất trung tâm huyện Đông Anh cũng sắp hoàn thành. Những ngày cuối tháng chín năm nay, khi Hà Nội bước vào giai đoạn cuối trong kế hoạch chuẩn bị hàng chục năm trời cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, người dân Cổ Loa không thôi nói về con đường mới mở. Từ quán nước đầu chợ Sa đến hàng giải khát đầu thôn Thượng, đâu cũng có thể nghe người Cổ Loa "ghen tị" với dân trung tâm huyện. Tại sao đường qua Cổ Loa chỉ có bảy mét rưỡi, phía Đông Anh lại rộng gấp đôi? Mai này quy hoạch xong, du lịch phát triển, "nhà đầu tư về", liệu đường nhỏ có đáp ứng được nhu cầu giao thông tại đây?

Là phàn nàn vậy, chứ dân Cổ Loa biết rõ vì sao đường mở qua xã mình lại không được rộng như bên xã bạn. Quy hoạch chưa xong, ngay cả cái mốc giới bảo tồn, bảo vệ cũng chưa được phê duyệt, là bao nhiêu mét đây, thì dĩ nhiên phần việc xây dựng hạ tầng phải "rón rén" rồi.

Hôm về Cổ Loa, cán bộ văn hóa xã Nguyễn Văn Tùng dẫn tôi ra sân vận động thôn Lan Trì. Gọi là sân vận động cho oai, chứ cái bãi đất trống nằm sát chân thành Trong, ngay sau đền thờ An Dương Vương và chỉ cách thành Trung một cái ao rộng độ non trăm mét ấy mấp mô ghê lắm. Bãi hoang có cỏ mọc thì đúng hơn. Gió chiều mát rượi, anh Tùng chỉ tay về phía hàng cây trồng trên mặt thành, đủ những mít, sấu, xoài, trám: "Anh nhìn xem, sau hàng cây ấy là bao hộ gia đình, mới cũ gì thì cũng bao năm rồi. Cây đã lên xanh, cho quả mỗi mùa, giờ thì không biết chỉ giới bảo vệ sẽ là bao nhiêu mét. Năm mươi hay một trăm, rồng rộng một tý có khi bay cả xóm không chừng".

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa là người xóm Mít chính hiệu. Gia đình ông ở cái xóm có tên xưa Cự Nê, dân bảo là đất thấp, "đáy bùn"; con cháu ông cũng ở đó đã bao năm nay, từ cái thuở mấy ai biết nghe từ "quy hoạch" là gì. Giờ thì, ác thay, bản đồ vẽ lại, chi tiết và có chú thích đàng hoàng, cả cái xóm Mít ấy mới rõ ràng mối lo bởi xóm mình lọt thỏm trong chỉ giới bảo vệ thành Trung và cả thành Ngoại, dù có là năm chục hay một trăm mét thì cũng "đi phần lớn". Theo báo cáo thống kê gần đây của xã Cổ Loa, xóm Mít có hơn hai trăm hộ nằm trong khoảng dăm chục mét tính từ chân thành Trung, và thành Ngoại; thêm 24 hộ nữa sống trong hơn chục ngôi nhà (4 nhà cao tầng) xây trên mặt thành Ngoại. Giờ, gần nghìn nhân khẩu sống trong xóm Mít đang thấp thỏm chờ quy hoạch. Có giải tỏa không? Nếu phải di dời vì sự nghiệp bảo tồn di sản thì phương án đền bù liệu có giúp họ bắt đầu cuộc sống mới một cách ổn thỏa?
* *
*
Về Cổ Loa nghe người già kể mới thấy chuyện xưa đã ảnh hưởng tới di tích ghê gớm thế nào. Lúc ấy, luật chưa có, nghĩ đến bảo tồn thì cũng chẳng còn tâm sức thời gian mà lo, cái đói cái nghèo đi cùng chiến tranh là điều phải được ưu tiên trước đã.

Ông Hoàng Trọng Văn, 71 tuổi, người gốc Nhồi Dưới, nay vẫn cùng gia đình sống ở đó, kể về cái thời dân chúng đói "ăn hết lá xanh ăn đến lá vàng, con mắt cập quàng thì hái cả dây". "Lúc ấy dân đói lắm. Ai có sức thoải mái lên mặt thành cuốc đất trồng sắn lấy cái mà ăn. Sau này, trẻ con vào hạ là ra chân thành hạ tre về làm diều. Có mấy ai nghĩ đến bảo tồn vào lúc ấy".

Về tòa thành ốc ngày ấy, nghĩa là cách nay hơn nửa thế kỷ, ông Hoàng Văn Lộc, 76 tuổi, cũng dân xóm Nhồi Dưới nói: "Thành quách lúc ấy khác nhiều, vẫn còn đàng hoàng lắm. Những đêm Trung thu, trẻ thôn trên xóm dưới lên mặt thành ngóng trăng. Mặt thành rộng, có chỗ hơn chục mét, cây cối như rừng, từ trên nhìn xuống cỡ gần chục mét chứ chẳng chơi. Tôi nhớ quãng năm năm mươi, năm hai gì đó thì bắt đầu sạt dần. Hồi ấy, nhà tôi ở cách chân thành chừng ba chục mét, bây giờ vẫn vậy, cách mỗi con ao thôi".

Giờ đi từ Hà Nội về, qua cây cầu Ngòi, khéo nhìn lại được nghe chuyện cũ từ các cụ thì có thể thấy được những gì còn lại của loa khẩu - miệng ốc Loa thành. Cũng chẳng còn gì nhiều, ba bốn lần làm đường- sửa đường - xây đường mới, cái "miệng ốc" to đùng ngày trước giờ chỉ còn tí tẹo, lại bị ba bốn hộ dân "bỗng đâu" đến xây nhà, lập "trại" gà bên trên. Ông Hoàng Trọng Văn nhớ lại: "Hồi tôi còn bé, mạch ngầm loa khẩu đùn nước rất mạnh. Đi cắt cỏ về, bọn trẻ chúng tôi còn nán lại loa khẩu chơi chán. Lúc ấy, muốn lấy nước từ mạch loa khẩu thì phải trèo xuống tận dưới, mạch sâu thế đấy. Các cụ kể rằng có những lúc xác ngựa, xác người, nghe như từ Phú Thọ trôi dạt về đây. Mỗi lần như thế, lý trưởng lại phải mang bạc trắng lên trình quan huyện, cách rách quá nên mới nghĩ chuyện bịt bớt miệng loa khẩu lại. Rồi dân ra ở, lại làm đường sá, bây giờ loa khẩu mới ra nông nỗi này".

Nói chuyện bảo tồn ở Cổ Loa từ mấy mươi năm trước cho đến cách nay dăm năm, có nhiều thứ cười ra nước mắt. Như ở sau đền thờ An Dương Vương, ngay rìa sân vận động Lan Trì có ngôi nhà cao tầng của một gia đình trước có người làm nhiệm vụ bảo vệ di tích này. Nhà sát sau đền, chỉ cách có cái tường, nên ông bảo vệ "ngày ăn cơm nhà tối vác chiếu ra đền" mới nghĩ ngay ra cách đục tường trổ cửa lấy lối đi tắt sang đền cho tiện. Sau này, đến thời nghiêm ngặt, ông bảo vệ "về hưu", người ta mới bịt cái cửa "đi cho tiện" của ông nọ. Chuyện cũ rồi, lâu rồi nhưng dân Cổ Loa vẫn nhớ, như một bài học cho sự "giác ngộ" ý thức bảo vệ di sản…
* *
*
Lần cuối tôi về Cổ Loa cách nay vài ngày. Xã vừa khánh thành nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh về lịch sử Cổ Loa. Nhà trưng bày khiêm tốn, nghe nói là bởi hiện vật khai quật từ đất này nhưng phải dành ưu tiên cho chủ đề trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội nên những gì còn lại cho Cổ Loa không có được nhiều, chẳng đủ khái quát dặm dài văn hóa một vùng đất Cổ Loa- hai vương triều - và lịch sử ngôi thành ốc độc nhất vô nhị.

Cái nhà trưng bày ấy là một việc nhỏ nữa góp cho Cổ Loa trên hành trình nuôi dưỡng ước mơ phát triển nhờ du lịch trên cơ sở bảo tồn di sản. Đình, đền ở Cổ Loa, những di tích thành phần đã và đang được trùng tu, tôn tạo nhưng về cơ bản, người ta vẫn đang ngóng đợi một bản quy hoạch tổng thể mà nhờ nó, từ nó mới có thể nghĩ đến những việc khác, nhỏ bé hay lớn hơn nhiều.

Mà việc ấy thì đã được chờ đợi từ lâu rồi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trên đất đế kinh (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.