(HNM) - Triển khai Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 1 đến 30-6-2011), thành phố Hà Nội yêu cầu mỗi quận, huyện, thị xã có thêm ít nhất 15 điểm vui chơi, tổ chức nhiều hoạt động hè an toàn, bổ ích, nâng cấp và trang bị cơ sở vật chất cho các địa điểm dành cho trẻ đã xuống cấp…
Có thể nói, địa điểm vui chơi của trẻ em luôn là mối quan tâm của mỗi gia đình và toàn xã hội, đặc biệt trong dịp nghỉ hè. Báo Hànộimới xin ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Chợ vây sân chơi tại phường Trung Liệt - Đống Đa. Ảnh: Thùy Ngân |
Ông Nguyễn Trọng An (Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội):
Thiếu chỗ vui chơi cho trẻ, phát sinh nhiều hệ lụy
Trẻ em cần có chỗ vui chơi, đồ chơi, trò chơi và người hướng dẫn chơi để phát triển toàn diện nhân cách cũng như thể chất, trí tuệ. Hoạt động vui chơi rất cần thiết với trẻ, nhưng hiện nay không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc này. Trong gia đình, nhiều bậc cha mẹ suốt ngày chỉ bắt con học, hết ngoại ngữ đến vi tính, ngay cả mùa hè lịch học cũng dày đặc. Sau giờ học, trẻ em ở thành phố cũng chỉ biết làm bạn với tivi, chơi điện tử trên máy tính, quanh quẩn trong bốn bức tường. Nếu thả con ra đường, cha mẹ cũng khó có thể yên tâm. Các sân chơi trong khu tập thể, khu chung cư, nếu có cũng đã bị chiếm dụng làm nơi để xe, chỗ bán hàng, họp chợ. Cung thiếu nhi, nhà văn hóa quá tải, bể bơi đông nghẹt người, chưa kể một số công viên, vườn hoa thiết bị trò chơi cũ nát, không bảo đảm an toàn, mất vệ sinh. Hệ lụy kéo theo là trẻ nghiện trò chơi điện tử, hành xử bạo lực, mất cân bằng tâm sinh lý; trẻ xuống đường giao thông đá bóng, trượt pa-tanh gây tai nạn, trẻ ra ao hồ bơi bị đuối nước… Việc dành quỹ đất làm chỗ vui chơi cho trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là các nhà quản lý và cấp có thẩm quyền, các khu đô thị lớn, dân cư đông đúc.
Bà Nguyễn Tường Vân (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín):
Coi trọng vai trò của đoàn viên, thanh niên
Tôi còn nhớ, trước đây, mỗi khi mùa hè đến, các đoàn viên, thanh niên quê tôi lại đến gõ cửa từng nhà có con em ở độ tuổi thiếu nhi, vận động ghi tên sinh hoạt hè tại địa phương. Các anh chị phụ trách phân loại theo độ tuổi, sở thích để tổ chức các em thành những nhóm học múa, hát, tập võ, chơi bóng đá, cờ vua… Cuối hè lại tổ chức cuộc thi giữa các thôn, xóm, thậm chí giữa các xã. Địa điểm cho các cháu vui chơi thường là sân kho hợp tác xã, sân đình, sân chùa rộng rãi, thoáng mát. Những năm gần đây, việc này không được chú trọng, thế là mùa hè trẻ em được nghỉ học, bố mẹ bận làm không ai quản, rủ nhau ra ao hồ tập bơi, dẫn đến những tai nạn thương tâm hoặc "mọc rễ" ở các quán điện tử, thiếu tiền chơi sinh ra trộm cắp, đánh nhau… Để có sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em dịp nghỉ hè, các cấp chính quyền, đoàn thể ở ngoại thành cần coi trọng vai trò của các tổ chức đoàn, đội tại địa phương.
Ông Phạm Bá Duy (phường Thành Công, quận Ba Đình):
Quản lý lỏng lẻo làm mất sân chơi của trẻ
Không phải các nhà quản lý, nhà quy hoạch "quên" sân chơi cho trẻ em, mà do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền xã, phường, thị trấn đã khiến nhiều sân chơi của trẻ bị người lớn chiếm dụng. Hầu hết các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công đều có sân chơi, nhưng nay đã biến thành chợ cóc, hàng quán, điểm trông giữ xe. Các khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Làng Quốc tế Thăng Long được xây dựng rộng rãi, hiện đại, trong quy hoạch có nhiều điểm làm vườn hoa, không gian cho người lớn đi dạo, trẻ em vui chơi. Song, trên thực tế chúng đã biến thành nơi trông giữ xe ô tô, xe máy. Các công viên, vườn hoa công cộng chắc chắn buổi tối, thậm chí cả ban ngày không đứa trẻ nào dám vào, bố mẹ càng không dám dẫn con đến. Đơn giản vì ghế đá, bãi cỏ đã bị các anh chị chiếm để làm chuyện "người lớn" hoặc là nơi bọn trộm cắp, nghiện hút hoành hành…
Bà Lê Thị Hoa (giáo viên mầm non nghỉ hưu tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai):
Đồ chơi cho trẻ vừa thiếu, vừa không an toàn
Tôi có hai đứa cháu học tiểu học, dịp cuối tuần hoặc nghỉ hè chúng thường được bố mẹ cho đi Vườn thú Thủ Lệ, Công viên nước Hồ Tây… Tuy nhiên, đi vài lần chúng lại chán, không còn hào hứng vì đồ chơi cũ kỹ, cảnh quan không có gì mới lạ. Đồ chơi trên thị trường thì có đến 99% sản xuất từ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, thậm chí sử dụng hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hàng sản xuất tại Việt Nam chưa nhiều, mẫu mã không phong phú, giá thành lại cao, nên không được mấy người chọn mua. Trong khi với trẻ con, đồ chơi là giáo cụ trực quan sinh động giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh một cách chính xác nhất, nhanh nhất. Chúng ta có rất nhiều trò chơi dân gian, nếu biết tổ chức sẽ rất hấp dẫn trẻ em như thả diều, nặn tò he, nhảy dây, kéo co… Nếu tập trung được các em và có người hướng dẫn để bảo đảm an toàn, chắc chắn những trò chơi đó sẽ rất bổ ích với trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.