Trong khi bé trai đầu lòng 9 tuổi đã cao 1,4 m thì bé trai thứ 2 của chị Hằng (Bình Thạnh, TP HCM) đã 5 tuổi nhưng chỉ cao 95 cm.
Từ lúc 2 tuổi đến giờ, mỗi năm cậu em chỉ cao thêm chưa tới 3 cm. Chị Hằng cho con bổ sung nhiều loại sữa khác nhau tình hình vẫn không cải thiện. Đi khám nội tiết, bé được bác sĩ kết luận thiếu hoóc môn tăng trưởng và hiện được điều trị bổ sung.
"Không hiểu sao cùng bố mẹ, cùng chế độ chăm sóc mà hai đứa có sự khác biệt lớn quá. Chỉ mong con điều trị sẽ có kết quả tốt. Ông xã cao tới 1m73 còn mình chỉ 1m54, chỉ sợ con lại lùn giống mình thì khổ", chị Hằng phân trần.
Nhiều trẻ thấp lùn là do thiếu nội tiết tố tăng trưởng. Ảnh minh họa: tunerpost |
Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TP HCM mới đây, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y dược TP HCM, khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tỷ lệ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ sinh sống.
Mặc dù thiếu nội tiết tố tăng trưởng không thường gặp nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Thiếu nội tiết tố tăng trưởng có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Điều này có thể do tổn thương xung quanh tuyến yên và vùng hạ đồi như chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não. Trong một số trường hợp việc thiếu nội tiết tố là vô căn, không xác định được nguyên nhân.
Theo bác sĩ Quỳnh, dấu hiệu của thiếu hoóc môn tăng trưởng là trẻ phát triển chiều cao ít hơn 4cm một năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì. Phụ huynh cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng năm của trẻ để có sự đánh giá kịp thời. Khi có dấu hiệu cảnh báo, trẻ cần được bác sĩ nội tiết nhi thăm khám cẩn thận và có thể phải làm một số xét nghiệm hỗ trợ để chẩn đoán nguyên nhân.
Khi trẻ được chẩn đoán thiếu nội tiết tố tăng trưởng, bác sĩ sẽ khuyến cáo điều trị thay thế bằng nội tiết tố tăng trưởng. Phương pháp này cung cấp lượng nội tiết tố tăng trưởng đều đặn để trẻ có chiều cao trưởng thành càng gần mức bình thường càng tốt.
"Sự tăng chiều cao được ghi nhận khoảng 3-6 tháng sau điều trị nội tiết tố tăng trưởng. Hầu hết trẻ em được điều trị sẽ tăng trưởng gấp 2-4 lần tốc độ tăng trưởng trước đó trong năm điều trị đầu tiên", bác sĩ Quỳnh phân tích.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, tuy các thuốc điều trị nội tiết có hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ nhưng không phải trẻ nào cũng sử dụng được mà thuốc chỉ tác dụng đối với trẻ được thực sự thiếu hoóc môn tăng trưởng. Trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước tuổi dậy thì mới có thể mang lại hiệu quả cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.