(HNM) - Đó là câu thơ đầu tiên trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh đất nước bị đô hộ, chiếm đóng, dù bận trăm công, nghìn việc, Bác Hồ kính yêu vẫn luôn dành tình thương vô bờ bến cho thiếu niên, nhi đồng.
Bác viết: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than, cực lòng...”. Bốn câu thơ lục bát trên đã thể hiện rõ tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời cũng nói lên mong muốn của Người, dù đất nước còn "gian nan" nhưng mỗi người đều cần phải nỗ lực, có trách nhiệm với bữa ăn, giấc ngủ của trẻ em.
Đất nước thống nhất, phát triển, rồi hội nhập quốc tế sâu rộng, trách nhiệm chăm lo cho các thế hệ tương lai ngày càng được chú trọng, quan tâm nhiều hơn. Và, những nỗ lực trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Mới đây nhất, ngày 6-7-2016, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã một lần nữa khẳng định vấn đề này khi phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH công bố Báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới năm 2016: Cơ hội công bằng cho mọi trẻ em”, khuyến nghị đầu tư vào trẻ em thiệt thòi để mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho từng quốc gia. Báo cáo ghi nhận, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong giảm nghèo, cứu sống trẻ em, đưa trẻ tới trường…
Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh, bối cảnh nhất định, ở nơi này, chỗ nọ vẫn để xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan tới trẻ em. Phát triển đô thị, công nghiệp đem lại những lợi ích rất lớn, nhưng cũng để lại không ít hệ lụy. Tại nhiều thành phố, do lượng người nhập cư quá lớn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu nên nơi này, nơi kia vẫn thiếu trường mầm non công lập. Để đáp ứng nhu cầu, hệ thống trường mầm non tư thục xuất hiện, phần nào giúp các bậc phụ huynh yên tâm công tác, làm việc. Điều này là hoàn toàn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT tại 50 tỉnh, thành phố, hiện có khoảng 1.500 trường mầm non tư thục đang hoạt động, có sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
Nhưng bên cạnh ưu điểm của mô hình dịch vụ giáo dục này mang lại, thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý mầm non ngoài công lập hiện nay là các nhóm lớp tư thục bởi quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu chăm sóc các bé ở độ tuổi nhà trẻ - dưới 3 tuổi - độ tuổi mà nhiều trường công lập không có khả năng đáp ứng…
Do điều kiện kinh tế, nhiều gia đình không thể gửi trẻ đến những trường được quản lý nên buộc phải gửi trẻ vào các cơ sở chăm sóc trẻ tự phát. Và, nhiều vụ việc vô cùng đáng tiếc, gây bức xúc dư luận liên quan tới quản lý, chăm sóc trẻ mầm non đã liên tục xảy ra trong những năm qua, mà bắt đầu, điển hình nhất là vụ “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa xảy ra ở tỉnh Đồng Nai, năm 2008. Sau đó, không ít vụ việc được báo giới phanh phui, khiến không ít gia đình có con nhỏ luôn phải sống trong tình trạng bất an...
Nói vậy để khẳng định rằng, công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Thế nhưng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp độc lập vẫn tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ em. Rõ ràng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều vấn đề phải sớm khắc phục. Trước hết là quản lý “ngành dọc”. Không thể ra quyết định thành lập rồi thiếu kiểm tra giám sát, từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy. Với chính quyền cơ sở, càng không thể không nắm chắc các cơ sở chăm sóc mầm non, nhất là ngoài công lập (và tự phát) trên địa bàn.
Quản lý chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc liên quan tới “búp trên cành”. Làm được điều đó cũng đồng nghĩa là thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.