Xã hội

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Triệu: “Gần dân, sát dân, cung cấp dịch vụ công tác xã hội nhanh chóng và hiệu quả”

Mai Hoa thực hiện 01/07/2025 15:25

“Khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, cấp xã, phường sẽ càng gần dân, sát dân. Do trực tiếp quản lý, nắm bắt thông tin của người dân, tiếp nhận thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội, nên việc triển khai, phối hợp thực hiện được rút ngắn, thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn, không mất thời gian qua cấp trung gian”.

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Triệu khẳng định như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

- Thưa ông, từ ngày 1-7-2025, hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội sẽ có điều chỉnh như thế nào để thích ứng linh hoạt với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp?

- Khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, với đặc thù gần dân, sát dân; cấp xã, phường thực hiện các nhiệm vụ và báo cáo trực tiếp lên thành phố nên sẽ không mất thời gian qua cấp trung gian.

Trước đây, quy trình thực hiện mất nhiều thời gian liên hệ, chuyển tiếp hơn do Trung tâm chúng tôi phải liên hệ với Phòng Y tế quận, huyện, thị xã; sau đó, Phòng Y tế mới chuyển thông tin tới xã, phường, thị trấn để thực hiện can thiệp, hỗ trợ. Sau khi hoàn tất việc can thiệp, hỗ trợ, xã, phường báo cáo với Phòng Y tế cấp quận, huyện, thị xã tổng hợp và phản hồi lại với Trung tâm.

nguyen-van-trieu-1.jpg
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Triệu. Ảnh: Thu Minh.

Nay, việc phân định rõ thẩm quyền cho các xã, phường trong lĩnh vực Bảo trợ xã hội, lĩnh vực trẻ em sẽ thuận lợi hơn cho Trung tâm trong việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, như: Tập trung, tiếp nhận người lang thang, đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; tư vấn và trợ giúp cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, buôn bán người, lao động cưỡng bức; trợ giúp xã hội khẩn cấp cho đối tượng gặp khó khăn, tử vong, bị thương do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...

Việc hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn... cũng thuận lợi hơn do ủy ban nhân dân các xã, phường chủ động chỉ đạo các ngành tại địa phương phối hợp thực hiện.

- Mô hình chính quyền địa phương hai cấp vận hành cũng giúp Trung tâm tăng khả năng tiếp cận và phản ứng nhanh, thưa ông?

- Đúng vậy. Các cán bộ phụ trách lĩnh vực xã hội cấp xã, phường với lợi thế gần dân, am hiểu địa bàn và nắm rõ đặc thù dân cư, nên có thể phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ, dễ dàng nắm bắt diễn biến tình hình. Do đó, có thể triển khai nhanh chóng, kịp thời hoạt động trợ giúp khẩn cấp đối với các trường hợp bị xâm hại, bạo lực, bị thương vong...

Công tác chỉ đạo hỗ trợ cũng nhanh chóng hơn, do mọi tình huống phát sinh sẽ xin ý kiến trực tiếp từ lãnh đạo cấp thành phố. Nhờ vậy, các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người yếu thế có thể được hỗ trợ nhanh chóng, đúng nhu cầu và giảm thiểu hậu quả tâm lý, thể chất.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và quy định của Nghị định 147/2025/NĐ-CP ngày 12-6-2025 về quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Trung tâm sẽ chủ động trong triển khai, phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Thứ nhất, Trung tâm sẽ khẩn trương liên hệ, nắm bắt thông tin từ chính quyền, các đầu mối cấp xã, phường để phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; sẵn sàng trợ giúp các trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp; tập trung, tiếp nhận đối tượng lang thang; phối hợp với các xã, phường hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các trường hợp cần trợ giúp để có căn cứ triển khai ngay các nhiệm vụ, không để bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến quyền của trẻ em và các nhóm đối tượng cần sự trợ giúp.

nguyen-van-trieu-2.jpg
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Triệu trao quà tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: Thu Minh

Thứ hai, tham mưu, đề xuất Sở Y tế Hà Nội trình UBND thành phố sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17-4-2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội và Hướng dẫn liên ngành số 2320/HD-LS: LĐTBXH-CA-YT-VH&TT-DL ngày 2-6-2023 để bảo đảm thống nhất trong triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định của pháp luật, thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội sẽ tăng cường đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện chuyển đổi số, số hóa hồ sơ tài liệu, cơ sở dữ liệu. Chúng tôi sẽ phối hợp tốt với chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, công tác tư vấn, trợ giúp, tập trung, tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại Trung tâm; vận động nguồn lực để tiếp tục triển khai nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Triệu: “Gần dân, sát dân, cung cấp dịch vụ công tác xã hội nhanh chóng và hiệu quả”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.