(HNM) - Mặc dù có rất nhiều chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em, bảo vệ trẻ em, song theo thống kê mới nhất, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại.
Số liệu trên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp đi kèm với dẫn chứng về các trường hợp cụ thể, như cô giáo dùng dao dọa nạt, thậm chí đánh đến mức để lại thương tật vĩnh viễn cho trẻ em; thầy giáo xâm hại tình dục cùng lúc nhiều học sinh… Điều đau lòng hơn, không ít trẻ bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (chiếm tỷ lệ 21,3%) và gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Có những trường hợp người ngược đãi, xâm hại bị nghiêm trị nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn trẻ thơ. Nhiều vụ việc gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì e ngại lộ thông tin ảnh hưởng đến con em mình và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.
Trẻ em cần được bảo vệ, quan tâm đúng mức của gia đình và xã hội. Ảnh: Hữu Tiệp |
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống ít nhiều bị thay đổi, mai một. Cha mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình; hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít. Công tác bảo vệ trẻ em, đào tạo kỹ năng sống ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Những thông tin thiếu sàng lọc trên internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật còn bất cập, chồng chéo, lỏng lẻo.
Trước vấn nạn xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, kể từ khi nhận tố giác thì thời hạn xử lý trong vòng 20 ngày, tối đa 4 tháng, gây khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Đặc điểm của phần lớn các vụ việc bạo hành, xâm hại là truy xét nhưng không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện thường quá xa; gia đình nạn nhân ngại khai báo, thậm chí còn che giấu, từ chối giám định, không hợp tác với cơ quan điều tra. Có những vụ việc từ khi tố giác đến lúc báo chí vào cuộc phanh phui đã trôi qua hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Điều 90 Luật Trẻ em quy định rõ, UBND cấp xã phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý, nhưng đến nay mới có 590 cán bộ thuộc 6 tỉnh, thành phố được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Nghĩa là mới có khoảng 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai quy định này. Vì thế, trong nhiều trường hợp khi Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em cũng loay hoay không biết liên hệ với ai ở cơ sở để thông tin, xử lý.
Dưới góc độ là cơ quan xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc 17 cơ quan, tổ chức cùng tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em liệu có phân tán, chồng chéo hay không cũng cần được nghiên cứu. Đơn cử, về mặt quản lý nhà nước, trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; gia đình lại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Trong khi, trẻ em và gia đình là một chỉnh thể khó tách rời…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.