(HNM) - Trên cả nước, tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng về mức độ, số vụ việc...
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong các vụ xâm hại tình dục, trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ, ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%). Đáng chú ý, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2% đang là vấn đề rất đáng báo động.
Tình trạng trẻ bị xâm hại gia tăng có nguyên nhân từ ảnh hưởng của phim ảnh đồi trụy, từ việc quản lý lỏng lẻo chất kích thích, gây nghiện trong xã hội. Nhưng quan trọng hơn là sự buông lỏng quản lý và giáo dục từ gia đình và nhà trường. Nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm đến con, không có kỹ năng giáo dục, bảo vệ con. Nhà trường cũng không giáo dục các kỹ năng phòng ngừa, giúp trẻ nhận biết và phòng tránh, hiểu quyền được bảo vệ an toàn của mình. Sự lỏng lẻo và những bất cập trong hệ thống pháp luật cũng góp phần làm cho tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em không thuyên giảm. Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, nhận tố giác từ trẻ em; quy định của pháp luật cũng chưa đủ sức răn đe những hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ...
Theo khảo sát, 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục bị sang chấn tâm lý, tổn hại sức khỏe nặng nề. Đáng chú ý, theo bà Lê Thị Ngọc Bích, nhân viên tư vấn Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển), nhiều bậc cha mẹ hồn nhiên cho rằng tình trạng xâm hại không thể nào xảy ra với con em mình, dẫn tới lỏng lẻo trong bảo vệ, quản lý con em. Nhiều em còn quá nhỏ không thể hiểu được sự thiệt thòi của bản thân, dẫn đến bị xâm hại nhiều lần, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, tương lai sau này. Đến khi đối mặt với tai họa, các bậc cha mẹ lại không biết phải làm gì để bảo vệ, phục hồi tâm lý, sức khỏe cho con.
Tình trạng gia tăng các vụ xâm hại trẻ em còn có nguyên nhân từ sự thiếu cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở. Theo quy chuẩn quốc tế, cứ 2.000 dân có một cán bộ chuyên trách công tác xã hội, trong khi ở Việt Nam, 10.000 dân mới có một người kiêm nhiệm công tác xã hội. Để giải quyết tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em cần có sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội và các bậc cha mẹ. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi xâm hại, hiếp dâm trẻ em, quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các bậc cha mẹ về sự an toàn, được bảo vệ, giám sát của trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.