(HNMO) - Tại toạ đàm về tình trạng bắt nạt học đường diễn ra chiều 22-5, các chuyên gia của Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bắt nạt học đường để lại hậu quả nặng nề về cả thể chất và tinh thần cho nạn nhân. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, những cá nhân từng bị bắt nạt có mức độ trầm cảm cao hơn.
Bị trầm cảm nặng sau khi bị bạn chê bai, đánh hội đồng…
Trung bình một tháng, tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng từ 3-4 trẻ bị bắt nạt học đường đến khám các bệnh liên quan đến sức khoẻ tâm thần. Giai đoạn trẻ đến khám nhiều hơn là bắt đầu vào năm học mới.
Đơn cử như trường hợp của bé gái P.T.D (14 tuổi ở Bắc Ninh). Từng là một học sinh ngoan, học lực khá, không có tiền sử bệnh lý liên quan vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trước khi vào viện, D luôn cảm thấy buồn chán, có ý định tự sát và tự huỷ hoại bản thân.
Theo gia đình bệnh nhân, khoảng 1 năm trở lại đây, D có căng thẳng với một nhóm bạn nữ trong lớp. Nhóm bạn này hay chê bai về ngoại hình, xúc phạm và nói xấu D. Thậm chí, nhóm bạn này còn hay đe doạ, có lúc cầm vở tát vào mặt D vào giờ ra chơi hoặc tổ chức đánh hội đồng. Tình trạng bắt nạt này kéo dài khiến D luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, dễ nổi nóng, học tập bị giảm sút, lầm lì hơn, ít tiếp xúc, ăn uống kém và ngủ chập chờn. Mỗi khi đi học, D thường đeo khẩu trang kín mít, mặc áo dài tay màu đen và đội mũ kín.
Tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), D được chẩn đoán bị trầm cảm nặng, có ý định tự sát, có hành vi tự huỷ hoại. Sau khi được điều trị, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn hơn, giảm ý định tự sát và hành vi tự hủy hoại, ăn uống cũng tốt hơn, giấc ngủ được cải thiện. Tuy nhiên, sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn không muốn quay trở lại trường học.
Từ trường hợp nêu trên, các chuyên gia cảnh báo, hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học. Một nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, những đứa trẻ bị bắt nạt có sức khỏe thể chất kém so với những đứa trẻ khác. Đặc biệt, trẻ có thể bị stress cấp tính và kéo dài. Khi stress trở nên kéo dài, hệ thống hormone đáp ứng stress trở nên suy giảm chức năng và dẫn đến phản ứng căng thẳng yếu đi. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập…
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), những cá nhân từng bị bắt nạt trên mạng cho biết họ có mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch bên ngoài và hành vi phạm pháp.
“Tuy nhiên, cho đến nay, không có đủ bằng chứng để kết luận rằng, bắt nạt là nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử ở thanh thiếu niên”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến nói.
Bên cạnh đó, có những nghiên cứu còn chỉ ra mối liên quan giữa bắt nạt học đường và lạm dụng nghiện chất. Cụ thể, một nghiên cứu về thanh thiếu niên cho thấy, những người báo cáo bị bắt nạt có nhiều khả năng sử dụng rượu, thuốc lá và chất kích thích hơn những người không bị bắt nạt.
Tăng cường vai trò của giáo viên, gia đình
Đề cập đến các hình thức bắt nạt, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến cho biết, có nhiều hình thức bắt nạt như bắt nạt thể chất, làm tổn thương cơ thể của ai đó hoặc làm hỏng tài sản của họ. Còn bắt nạt bằng lời nói là hình thức phổ biến nhất, thường gặp ở nữ giới nhiều hơn; bắt nạt bằng quan hệ xã hội là sử dụng mối quan hệ để làm tổn thương người khác… Ngoài các hình thức bắt nạt trực tiếp, bắt nạt qua mạng thường gặp ở các trường trung học nhiều hơn trường tiểu học.
Để ngăn chặn tình trạng bắt nạt học đường, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong vấn đề này. Theo đó, cần xây dựng môi trường nhà trường nói không với bắt nạt học đường; giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khoẻ, nhân phẩm của người khác. Đặc biệt, tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá và giải quyết các vấn đề về bắt nạt học đường; khuyến khích những phương thức ứng phó thích hợp và tìm kiếm sự hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo về sự thay đổi về mặt cảm xúc của con em mình để có những can thiệp kịp thời, đó là sự buồn chán, ủ rũ ở trẻ không rõ nguyên nhân. Kèm theo đó là sự tức giận, căng thẳng khi trẻ tham gia các hoạt động với bạn bè. Mặt khác, trẻ thường xuyên than phiền ốm yếu, mệt mỏi, đau đầu, đau ngực, cơ thể xuất hiện các vết thương không rõ nguyên nhân, thay đổi trong hành vi ăn uống, chán ăn, bỏ ăn, hoặc ăn rất nhiều; giấc ngủ chập chờn, gặp ác mộng, tự ti; kết quả học tập giảm sút… Khi thấy các dấu hiệu này, cần đưa trẻ đi khám để được can thiệp tâm lý và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.