(HNM) - Sau thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, ngày 2-9-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được khai sinh. Lúc này, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách...
Các tầng lớp công thương Hà Nội nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng tháng 9-1945. Ảnh tư liệu |
Cứu nước trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”
Từ khi phát xít Nhật vào Đông Dương cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp, lập ra Chính phủ “bù nhìn” Trần Trọng Kim, nền kinh tế Việt Nam đã lâm vào tình cảnh kiệt quệ. Sản xuất trong nước đình đốn, lưu thông trì trệ và quân Nhật còn bắt nông dân phá lúa để trồng đay, dẫn đến tình hình tài chính của chính phủ thuộc địa đối mặt với muôn vàn khó khăn. Sau ngày độc lập, tình hình tài chính còn nguy cấp hơn: Kho bạc trống rỗng, thuế chưa thu được, Ngân hàng Đông Dương nằm trong tay tư bản Pháp. Tình hình tài chính nguy ngập, trong khi Chính phủ lâm thời lại phải chi tiêu nhiều việc khẩn cấp, quan trọng để tổ chức và chỉnh đốn bộ máy hành chính, sắm sửa vũ khí cho quốc phòng cùng các công cuộc kiến thiết quốc gia khác.
Đứng trước những thách thức đó, Chính phủ và Bộ Tài chính mà đứng đầu là Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã đưa ra nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là phải huy động mọi nguồn lực để vừa nuôi bộ máy nhà nước, vừa phục vụ sản xuất, chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố đất nước được độc lập, ngày 4-9-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 04 thành lập "Quỹ Độc lập". Sắc lệnh nêu rõ: "Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia" và "Mọi việc quyên tiền, đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính". Tiếp sau đó, trong khuôn khổ "Quỹ độc lập", Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức "Tuần lễ vàng" từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội. Tin Chính phủ lâm thời phát động "Tuần lễ vàng" từ Hà Nội nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước và trong nhân dân xuất hiện ca dao cổ động quần chúng: “Đeo bông chỉ tổ nặng tai/Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng!/Làm dân một nước vẻ vang/Đem vàng cứu nước giàu sang nào tày!”.
Nhân diễn ra "Tuần lễ vàng", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc. Ở phần đầu Người viết: "Cùng toàn quốc đồng bào! Ban tổ chức "Tuần lễ vàng" ở Hà Nội có mời tôi đến dự cuộc lễ khai mạc "Tuần lễ vàng". Vì bận việc, tôi không đến được, nhưng tôi có bức thư này ngỏ cùng toàn quốc đồng bào: Nhờ sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào ngót 80 năm nay, nhất là trong 5 năm nay, chúng ta đã xây đắp được nền tự do độc lập của chúng ta. Ngày nay, chúng ta cần củng cố nền tự do độc lập ấy để chống lại với dã tâm xâm lăng của bọn đế quốc Pháp. Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có". Cuối thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh. Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận. Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ. Việt Nam độc lập muôn năm!".
Sức mạnh từ lòng dân
"Tuần lễ vàng" ở Hà Nội khai mạc vào sáng 17-9 tại thềm Nhà hát Lớn. Do bận công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cố vấn Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) thay mặt đọc diễn văn khai mạc. Sau lời khai mạc của cố vấn Vĩnh Thụy, đoàn người xếp hàng tiến đến chiếc hòm lớn đặt ngay trong sảnh nhà hát. Đi đầu là các nhà tư sản rồi tầng lớp trí thức và các tầng lớp dân chúng Hà Nội. Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 - Hàng Ngang kể lại: "Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi Cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng". Tổng cộng từ khi được giác ngộ, gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng. Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà, chuyên sản xuất sơn, cũng rất tích cực đóng góp tiền vàng. Ông còn vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg. Riêng ông Nguyễn Sơn Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào hòm hiến tặng. Ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ nổi tiếng Hà thành có hiệu vải ở 48 - Hàng Đào cũng là một trong những tư sản đã tham gia đóng góp tích cực. Bà Nguyễn Thị Lãm (bà Tam Kỳ) đã xếp lớp 300 lạng vàng vào hộp bánh đem ra đóng góp ủng hộ ngân khố quốc gia. Một nhà tư sản khác là bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn Lợi Quyền ở phố Hàng Ngang, đã đóng góp 109 lạng vàng. Trân trọng tình cảm của bà Vương Thị Lai dành cho dân tộc, ngày 10-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà chiếc huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Một gia đình tiêu biểu khác là ông bà Đỗ Đình Thiện. Sắc lệnh số 4 ngày 4-9-1945 của Chính phủ đã cử ông bà Đỗ Đình Thiện "Phụ trách Quỹ Trung ương ở Hà Nội" trong "Tuần lễ vàng". Để vận động mọi người ủng hộ cách mạng, bản thân ông bà đã làm gương khi ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào "Quỹ Độc lập" và 100 lạng trong "Tuần lễ vàng". Đặc biệt, ông bà Đỗ Đình Thiện còn bỏ ra 1 triệu đồng mua bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó tặng lại TP Hà Nội. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà tư sản khác như: Chủ nhà in theo Công giáo Ngô Tử Hạ, ông Tống Minh Phương…
Trong "Tuần lễ vàng", các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Riêng tại Hà Nội, các giới đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và nhiều hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương. Cảm kích trước tấm lòng vì nước của giới công thương Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ủng hộ cho "Quỹ Độc lập", ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với đại diện là các nhà tư sản ở Nhà hát Lớn và ngày đó đã trở thành "Ngày Doanh nhân Việt Nam" hôm nay.
Những kết quả thu được từ “Tuần lễ vàng” cuối mùa thu Ất Dậu 1945 không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, tạo thế và lực để giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo. Đồng thời, đây còn là cơ sở để đầu năm 1946 chúng ta phát hành đồng tiền Việt Nam, bước đầu xây dựng một nền tiền tệ độc lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.