Chính trị

Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và quyết định lịch sử của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết

Song Thanh 26/12/2024 5:40

Đại tướng Nguyễn Quyết đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng vào những thời khắc lịch sử của đất nước. Một trong số đó là quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khi vừa tròn 23 tuổi

a2.jpg
Đồng chí Nguyễn Quyết (hàng đầu thứ ba từ trái sang) trong lần gặp mặt các cán bộ từng tham gia cách mạng tháng 8-1945. Ảnh: Tư liệu

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) được Đảng, Nhà nước tin tưởng phân công đảm nhiệm nhiều trọng trách, như: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Đồng chí Nguyễn Quyết sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 15 tuổi, ông đã tích cực tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào của quần chúng tại Hà Nội. Đến năm 1940 khi 18 tuổi, ông được kết nạp Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam).

Trải qua thử thách, ông được Trung ương tin tưởng giao trọng trách là Bí thư Thành ủy Hà Nội khi vừa tròn 23 tuổi. Trong hồi ký ông kể: “Mùa hè năm 1944, tôi được Trung ương Đảng triệu tập tham dự lớp học quân sự tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Kết thúc lớp học tôi trở lại Hà Nội. Bấy giờ nhằm củng cố Ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đủ sức lãnh đạo phong trào đang phát triển mạnh mẽ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã bổ sung một số đồng chí vừa vượt ngục trở về hoạt động vào Thành ủy. Tôi được phân công đặc trách công tác quân sự, đồng chí Phương phụ trách công vận, đồng chí Vũ Oanh phụ trách thanh vận...

Chúng tôi nắm chắc các đội tự vệ vũ trang mới thành lập, tổ chức huấn luyện dưới những hình thức khác nhau. Đây sẽ là lực lượng vũ trang hậu thuẫn quan trọng cho nhân dân giành chính quyền ở Hà Nội. Đảm nhiệm công tác quân sự ít tháng, tôi được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay anh Lê Quang Đạo bị lộ nên Trung ương điều đi nhận nhiệm vụ khác”.

Giữa tháng 8-1945, để trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa tại Hà Nội, Xứ ủy Bắc Kỳ đặc cách thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban) gồm các đồng chí: Nguyễn Khang (sau là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội), Ủy viên Thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi (tên thật là Vũ Đức Huề, còn có bí danh khác là Trần Quang Huy, sau là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương), phụ trách Ban Công vận Xứ ủy; Lê Trọng Nghĩa (sau là Đại tá, Cục trưởng Cục Quân báo), cán bộ của Xứ ủy: Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết và Nguyễn Duy Thân (sau là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu 1), Thành ủy viên Hà Nội. Sáng 16-8-1945, Ủy ban họp phiên đầu tiên, trên cơ sở diễn biến thực tế, Ủy ban bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa.

Cuộc đời hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Quyết

a4.jpg
Đại tướng Nguyễn Quyết và người trợ lý thân thiết. Ảnh: Song Thanh

Tại nhà riêng của ông ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, chúng tôi nhiều lần gặp và nghe ông kể về cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình. Nhất là thời gian “một ngày bằng hai mươi năm, chuẩn bị cho Hà Nội tổng khởi nghĩa”.

Nhớ về cuộc họp đầu tiên của Ủy ban, ông cho biết: "Nội dung nổi bật được chúng tôi thảo luận là vấn đề đối phó với lực lượng quân sự rất lớn của Nhật tập trung ở Hà Nội. Theo ước tính của ta, tại Hà Nội, Nhật có khoảng trên dưới 1 vạn trong số 4 vạn quân chiếm đóng ở Bắc Kỳ. Còn lực lượng vũ trang của ta ở Hà Nội mới có 3 chi đội tự vệ chiến đấu, mỗi chi đội gồm 3 đại đội, tổng số hơn 700 người, trang bị chủ yếu vũ khí thô sơ và mới qua một vài lớp quân sự cấp tốc. Vì vậy, nếu chỉ dùng lực lượng vũ trang (hoặc nửa vũ trang) thì ta khó lòng giành được thắng lợi".

Tra cứu nhiều tài liệu lịch sử chúng tôi được biết, phát huy tinh thần dân chủ của tất cả các thành viên trong Ủy ban, cuộc họp đi đến thống nhất vạch ra một kế hoạch hành động trước mắt. Theo đó, những cuộc mít tinh và diễn thuyết xung phong đã diễn ra liên tục ở nội và ngoại thành, cổ vũ tinh thần cách mạng của đồng bào.

Ủy ban thảo một truyền đơn, dịch ra tiếng Nhật, in với số lượng lớn và tung vào các trại lính Nhật. Nội dung của truyền đơn đã khoét sâu thêm tâm trạng hoang mang, chán chường của quân Nhật, kích động lòng nhớ quê hương và gia đình, khuyên họ tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, nên coi trọng bảo toàn tính mạng chờ ngày trở về nước.

Qua những tin tức ta nắm được, cuộc mít tinh này nằm trong âm mưu của chính phủ Trần Trọng Kim nhằm chống lại cách mạng bằng cách đánh lạc hướng quần chúng. Bản thân Tổng hội Viên chức cũng công bố Lời hiệu triệu quốc dân, đại ý nói "vì tình thế nghiêm trọng, người Pháp đang âm mưu tàn sát dân Việt Nam. Giờ cứu nước đã đến, quốc dân hãy đứng lên, để đối phó với thời cục", kêu gọi quần chúng đi biểu tình để "ủng hộ nền độc lập và bài trừ chính sách thực dân".

Nhận thấy nếu cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức không bị phá thì trong tình hình phức tạp lúc đó có thể phát ra một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng, làm cho quần chúng mơ hồ và hưởng lạc chính trị. Trong khuôn khổ kế hoạch hành động, Ủy ban và Thành ủy Hà Nội chủ trương kiên quyết phá cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức và biến nó thành một cuộc mít tinh quần chúng lớn của Việt Minh.

Chiều 17-8-1945, cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức ở Quảng trường Nhà hát Lớn. Theo kế hoạch đã định, Việt Minh huy động đông đảo quần chúng ở Hà Nội và một số phủ, huyện thuộc Hà Đông, nên số người tham dự lên đến vài vạn người. Các đội tự vệ chiến đấu, công nhân và thanh niên xung phong đã được bố trí phân tán trong quần chúng dự mít tinh.

Ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc), Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, hiện sống ở nhà riêng tại phố Bạch Mai (Hà Nội) kể: “Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban, trực tiếp là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, phá được cuộc mít tinh. Tôi nhớ, ngay sau khi đại diện Ban tổ chức của Tổng hội Viên chức tuyên bố lý do thì từ giữa đám đông bất ngờ nhô lên một lá cờ đỏ sao vàng lớn, quần chúng hò reo vang dậy "Cờ Việt Minh!" và đổ xô về phía lá cờ. Lập tức ở phía bên phải lại nhô lên một lá cờ đỏ sao vàng nữa.

Tiếp đó nhiều lá cờ đỏ cỡ nhỏ xuất hiện ở nhiều điểm trong cuộc mít tinh. Các đội viên thanh niên xung phong tay giương cao cờ, rẽ đám đông chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Biển người náo động, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh”.

Trật tự cuộc mít tinh hoàn toàn tan vỡ. Lính bảo an và cảnh sát bảo vệ như bị chôn chân tại chỗ, ngơ ngác hết nhìn theo lá cờ, lại nhìn đám đông hò reo không ngớt. Giữa lúc đó, anh em tự vệ chiến đấu chĩa súng dồn Ban tổ chức vào một góc, chiếm lấy diễn đàn. Cờ của chính quyền bù nhìn dựng giữa quảng trường "bỗng nhiên" rơi xuống đất, đồng thời, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn từ bao lơn tầng gác Nhà hát Lớn được buông xuống, phủ kín một khoảng mặt trước nhà hát...

Thấy tình hình diễn biến thuận lợi, ta quyết định biến mít tinh của chính quyền bù nhìn thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Theo sự hướng dẫn của các đội viên tự vệ chiến đấu, quần chúng xếp thành hàng ngũ, đi từ Nhà hát Lớn, qua phố Tràng Tiền, sang đường Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng)... Vừa đi họ vừa hô to khẩu hiệu cách mạng. Người tham gia đoàn biểu tình ngày càng đông. Đoàn đi, tiếng hô vang động của quần chúng và mấy phát súng do tự vệ chiến đấu bắn thị uy khiến bọn phản động thân Nhật hoảng hốt bỏ chạy, trong khi quân Nhật nhất loạt án binh bất động.

Về cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội

a3.jpg
Đồng đội chúc mừng Đại tướng Nguyễn Quyết dịp sinh nhật lần thứ 100. Ảnh: Song Thanh

Theo lời kể của Đại tướng Nguyễn Quyết, tối 17-8-1945, một số đồng chí trong Đội Văn hóa cứu quốc, Thanh niên xung phong và Tự vệ chiến đấu đã có sáng kiến viết một bản thông báo tường thuật cuộc mít tinh biểu tình, thuyết phục chủ báo "Tin mới" chấp nhận đăng bản thông báo vào số báo ngày hôm sau. Nhờ vậy, tin cuộc mít tinh và biểu tình rầm rộ tại Hà Nội đã lan nhanh đến nhiều tỉnh, thành phố, góp phần thúc đẩy phong trào chuẩn bị khởi nghĩa ở những địa phương đó.

Sự kiện chiều 17-8 là cơ sở giúp Thành ủy Hà Nội xác định căn cứ vững chắc những vấn đề then chốt liên quan đến cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Vì vậy, ngay tối 17-8, tại nhà bà Hai Nhã - một cơ sở cách mạng ở ngoại thành, Thành ủy và Ủy ban đã họp hội nghị mở rộng. Đồng chí Nguyễn Huy Khôi và đồng chí Nguyễn Quyết chủ trì hội nghị. Trên cơ sở những nhận định thực tế, Ủy ban đã quyết định cụ thể phương thức, kế hoạch và ngày giờ khởi nghĩa.

Sáng 18-8, tại Vạn Phúc - Hà Đông, sau khi nghe báo cáo của Thành ủy Hà Nội, Thường vụ Xứ ủy đã chuẩn y toàn bộ kế hoạch, đồng thời chủ trương huy động thêm quần chúng cách mạng tham gia cuộc mít tinh ngày 19-8, trợ lực cho Hà Nội khởi nghĩa.

Đại tướng Nguyễn Quyết nhớ lại: "Đêm 18-8, Ủy ban đã họp duyệt lần cuối kế hoạch khởi nghĩa, thông qua lời hiệu triệu sẽ đọc trong cuộc mít tinh sáng hôm sau và phân công lãnh đạo các khối quần chúng chiếm lĩnh những cơ quan trọng yếu trong thành phố. Mặc dù đêm đã khuya, đèn điện vẫn sáng trong các phòng làm việc ở trụ sở Ủy ban".

Theo lời kể và hồi ức của ông cùng nhiều cán bộ thời kỳ ấy, cả Hà Nội đã không ngủ. Tiếng máy khâu hối hả may cờ, tiếng mài gươm, dao, mã tấu, tiếng rì rầm bàn bạc của các đội viên xung phong, tự vệ chiến đấu về những nhiệm vụ được giao, tiếng tập hát các bài ca cách mạng... diễn ra đến tận sáng. Quần chúng cách mạng náo nức và tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Quyết định Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, bằng lực lượng tại chỗ, không chờ Quân giải phóng từ chiến khu về tại Hội nghị do Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết chủ trì, là một quyết định táo bạo, khẳng định tầm nhìn và quyết tâm dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo.

Nhắc về sự kiện này, sinh thời Đại tướng Nguyễn Quyết nhiều lần khẳng định, đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị lâu dài và được cân nhắc kỹ lưỡng. Ông cho biết: “Khi đó, tôi biết chắc chắn rằng nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể những người đã gắn bó, sống chết với phong trào thành phố trong nhiều năm, những người nắm rõ tình hình địch - ta diễn biến qua từng ngày hơn ai hết, trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là một quyết định nóng vội chủ quan bởi tình cảm khát khao được giải phóng chi phối. Hơn nữa, nếu để tuột thời cơ ngàn năm có một đó, để nó trôi qua rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao khi quân Đồng minh đến Hà Nội”.

Về quyết định trên, trong một bài phát biểu, đồng chí Trường Chinh (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) nói: "Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng... Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời".

Thực tế cách mạng đã chứng minh, Hà Nội khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19-8-1945, giành thắng lợi, không đổ máu, là sự cổ vũ lớn, động lực hành động đối với các địa phương chưa khởi nghĩa trong toàn quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và quyết định lịch sử của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.