Thắpmột nén hương vào đúng giờ phút giao thừa trên bàn thờ tổ tiên* Đón giao thừa trong từng gia đình
Hoa Ngọc Hà giờ đã mai một cùng nhịp sống đô thị gấp gáp. Vùng trồng hoa xưa đã dịch chuyển về những làng ven đô Nhật Tân, Quảng Bá, Đông Anh, Thanh Trì, Tây Tựu, Cổ Nhuế... Nghề làm hoa phải dậy từ sớm mờ mờ khi sương giá còn giăng giăng và cái lạnh dường như thấu hiểu trong từng thớ thịt. Thường nhật đã vất là vậy, những ngày lễ tết cái nhọc, cái nhằn dường như tăng lên gấp bội. Để có được những bông hoa đẹp cho mọi nhà như hôm nay, vợ chồng anh chị Nhân - Sọc nhà ở Tây Tựu - Từ Liêm đã phải dậy từ 1h sáng cắt hoa đem mớ về ngâm, tưới cho tươi cho thêm sắc để tối dong lên phố bán. Vợ chồng chị đã quen với chợ hoa tết này từ hơn chục năm nay, từ cái dạo những năm, 90 khi cả làng chị bừng bừng đổi mới chuyển đổi từ trồng lúa sang làm nghề trồng hoa. Cuộc đời chị cũng gắn với nghiệp làm đẹp cho đời từ dạo ấy. Gặp anh Lập - em trai chị Sọc trên chợ hoa Hàng Giấy cũng đêm nay, anh có có cái dáng ngất ngất. Tính anh vốn hay rượu, anh say cái men cay đồng thời cũng say luôn cả những bông hoa mình trồng. Anh có cái thú là đượcđem hoa đẹp đến cho mọi nhà mỗi sớm tinh mơ và những chiều chập choạng, lãng đãng... Những người yêu hoa, người trồng hoa còn đẹp hơn cả những bông hoa. Bởi hoa là vẻ đẹp của đất, hương thơm của trời - Còn người ta chính là hoa của đời là vậy.
Thời khắc giao thừa đã qua, lại có một đêm hội hoa đăng tưng bừng cho mọi nhà. Đường phố dường như hối hả hơn cùng nhịp quay gấp gấp của thời gian. Những khuôn mặt như thêm rạng rỡ, những nụ cười như thêm thật tươi bên những bông hoa rực rỡ khoe sắc màu. Thế là một năm mới đã sang!
Bà Cầm và người em trai sau hơn 40 năm mới gặp mặt
Còn nhớ cái dạo năm 1946, tết độc lập đầu tiên của cả dân tộc, không ngờ cũng là cái tết cuối cùng cô thiếu nữ Dương Thị Cầm được đón giao thừa nơi chôn nhau cắt rốn. Qua mùa đáng nhớ ấy, 23 tuổi đời, bà xuôi thuyền theo chồng về làm dâu mãi tận đất Chương Mỹ - Hà Tây, rồi lặn lội vào Nam những năm sau hoà bình lặp lại. Năm 1990 bà sang hẳn Mỹ định cư với các con cháu cho đến tận bây giờ.
Năm nay đã tròn 80 tuổi đời, đi qua được cái ngưỡng xưa nay hiếm, bà mới có dịp quay về Hà Nội ăn tết. Còn nhớ như in những ngày xưa ấy, ở ngôi nhà 84 phố Cầu Gỗ, đêm giao thừa, mấy chị em bà theo me thầy ra đền Ngọc Sơn, lên chùa Vũ Thạch (mạn phố Bà Triệu bây giờ) thắp hương cho Trời Phật cầu may. Buổi sáng mồng một, khi mưa bụi còn giăng giăng phủ kín mặt hồ Gươm, xác pháo hồng đượm cả mấy dẫy phố, các chị em bà lại xúng xính diện những bộ đồ mới nhất đi thăm hỏi họ mạc, xóm giềng thân quen...
Thành phố nhỏ Lacey, bang Washington nước Mỹ, nơi bà cụ Cầm cùng các con cháu hiện đang sinh sống cái gì cũng có. Hàng hoá ê chề, nhưng vẫn chẳng đủ cho những trái tim xa quê. Đón xuân nơi xứ lạ, cũng có bánh chưng xanh, câu đối đỏ, khoanh giò tròn béo gậy, thịt mỡ, dưa hành, mắm muối mua ngoài siêu thị của người Việt, nhưng thiếu ở đây là cái tình. Ngày tư ngày tết mà chỉ có mấy gia đình hàng xóm quây quần lại với nhau. Đêm giao thừa mà chẳng thể đi lễ chùa, chẳng thể kiếm đâu được cành đào đào phai... để làm nguôi ngoai đinỗi nhớ quê. Có lẽ chỉ có bữa cơm tất niên là còn duy trì trong gia đình cho mọi người đỡ tủi. Anh Kiều Quốc Thông, con trai bà cụ Cầm, thường cùng mẹ quây quần các con cháu lại mỗi đem giao thừa, kể cho chúng nghe về một quê hương Việt Nam cách xa tới những nửa vòng địa cầu (các cháu cụ Cầm hầu hết đều sinh ra trên đất Mỹ). Lũ trẻ thì hồn nhiên háo hức nghe, cái hồn nhiên tò mò của con trẻ, chỉ có vợ chồng anh cùng bà cụ Cầm là khắc khoải, hoài niệm về có một chốn thân thương ở nơi xa, xa lắm.
Những năm tháng định cư nơi đất khách quê người, những mùa xuân xứ lạ chẳng thể nào sánh bằng gần một tuần đi xuyên Việt vừa qua của gia đình bà. Đáp chuyến máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất đúng dịp lễ giáng sinh 2003, ở lại loanh quanh thăm hỏi bà con thân thuộc đất Sài Gòn, bà vội vã giục các con lên đường ra Bắc. “Hoá ra đất nước mình đẹp lạ kì, có những chiều chợt cảm thấy bâng khuâng bởi chính vẻ đẹp ấy. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái rét ngọt ngào đất Hà thành mà mẹ vẫn hay kể”-anh Kiều Quốc Hưng con trai cả cụ Cầm bồi hồi tâm sự. "Buổi đầu đặt chân lên Mỹ du học hồi dạo trước giải phóng, nhiều lần tôi vẫn tự hỏi, mình đến dây để làm gì? Trời không phải trời của mình, không có bốn mùa xuân, hạ, thu đông chỉ có giá lạnh và những bông tuyết bàng bạc rơi. Đất không phải đất của mình, cái thứ đất đen không cho ra được cây mùi tây, không có rau húng, rau rền, cũng chẳng có con gà ta ăn vào thịt cứ là thơm dìu dịu. Con người nơi đây cũng khác, làm việc quần quật 14 tiếng đồng hồ một ngày xong rồi ai về nhà ấy, chẳng thăm hỏi cũng chẳng quan tâm đến nhau. Về quê hương, sao tôi cảm thấy lòng mình thật yên ổn.” Đúng là chẳng có đâu như đất nước mình, cậu 78 tuổi (ông Dương Hằng ở ngõ 720 đường Đê La Thành - em trai cụ Cầm), cháu đã qua 53 cái xuân (anh Kiều Quốc Hưng) mới lần đầu trông thấy mặt nhau, mà phải đi biết bao nhiêu đường đất. Cũng chỉ có Việt Nam, đất nước anh hùng mới có những cảnh ly tán, xum họp cảm động đến vậy sau hơn nửa nợ đời.
Với lũ trẻ cháu bà Cầm, lần đầu về Việt Nam nhìn cái gì cũng đẹp cũng lạ, ăn thứ gì cũng ngon. Vốn tiếng Việt ít ỏi chỉ đủ khen những miền đi qua của đất nước là đẹp. Và Hà Nội đẹp, cái đẹp có cả trong cảm nhận cũng như trong tiềm thức. Chắc hẳn bà Cầm đã kể rất nhiều câu chuyện hay về Hà Nội nơi sinh thành của bà cho đám cháu nghe. Hồ Gươm có ông cụ rùa, cả chùa một cột, cả khu kẻ chợ... làm đám trẻ háo hức, tò mò. Sipô (con anh Kiều Quốc Thông) luôn miệng “Đẹp quá, đẹp quá, Hà Nội đẹp quá!”. Bà Cầm nghiễm nhiên thành hướng dẫn viên du lịch cho con cháu mình. Nỗi nhớ quê, nhớ Hà Nội sau từng ấy năm giời đã thành hiện thực trong mỗi thành viên gia đình. Tâm nguyện cuối đời của bà đã chẳng còn là mơ ước. Các cháu bà giờ đã biết thế nào là cây tỏi, cây chanh, cây ớt, quả bưởi, cũng là những cái tên thương thương bà đặt cho mỗi đứa cháu yêu, gọi chúng líu lo trong nhà.
Quê hương luôn có ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi con người, sống trên quê nhà, ngày càng thấy yêu thêm đất nước. Và có lẽ càng đi thật xa, những gì giản đơn nhất hoá ra lại trở thành những nỗi nhớ khó mờ phai.
Ông Dương Hằng, em trai cụ Cầm đã sôi nổi kể về những kỉ niệmgia đình ông sau ngần ấy năm xum họp: “ Mấy đêm nay tôi không tài nào chợp mắt được. Sống trên đời, cái tình mới là quan trọng, suy cho cùng, đúng là chẳng đâu được bằng như nhà mình". Đón xuân này, đại gia đình ông sẽ thêm hẳn những niềm vui.
Cô gái trẻ 18 tuổi đến từ Thuỵ Điển Sylvia Peterson cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội, được ăn cái Tết thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Tôi vui lắm ! Ấn tượng đầu tiên tôi nhận thấy ở đây là người Việt Nam rất hiếu khách, vui vẻ và vô cùng thân thiện”. Còn bà Nguyễn Ngọc Vân ở Hàng Đường vui vẻ nói: “Tôi đến đây là để hấp thụ vào mình linh khí của đất trời, của non sông và Thủ đô yêu dấu với mong muốn xuân về, đất nước nói chung, Hà Nội nói riêng ngày thêm đổi mới”.
Đúng 12h, không gian xung quanh hồ bừng sáng bởi hàng trăm quả pháo hoa phóng lên không trung. Ai nấy đều nín thở, mắt dõi nhìn không chớp muôn vạn màu sắc lung linh huyền ảo. Lễ bắn pháo hoa diễn ra chỉ trong vòng 15 phút nhưng đã khiến hàng vạn người có mặt quanh hồ trầm trồ, thán phục.
Đường đông, gió buốt nhưng khuôn mặt ai cũng tươi như hoa, ngập tràn niềm hạnh phúc. Tay mỗi người khẽ cầm một nhánh lộc xuân còn ướt lạnh vài giọt sương đêm hoặc vài câu đối đỏ từ khu Triển lãm Thư pháp bên hồ. Người người khẽ bước nhẹ trong đêm, vươn mình đón không khí ban mai xuân sớm. Và Hà Nội lại có một đêm không ngủ...
* Lễ chùa đêm 30 Tết…. để cùng mong một năm mới tốt lành
Thắpmột nén hương vào đúng giờ phút giao thừa trên bàn thờ tổ tiên
Năm nào cũng vậy, cứ vào tối 30 Tết gia đình ông bà Tân Minh, tổ 3, Tam Khương, Khương Thượng, Quận Đống Đa lại tụ họp đông đủ để ăn bữa Tất Niên. Tất cả ông, bà, dâu, rể, con cháu có tới 15 người. Các con trai, con dâu ông đã đến nhà ông bà từ gần trưa đi chợ, làm cỗ, bày biện, trang trí bàn thờ tổ tiên. Mâm cỗ cúng giao thừa của nhà ông Tân Minh trong Tết này có đầy đủ giò chả, thịt gà, măng miến, nem, rượu... cùng một mâm ngũ quả rất đẹp. Sau bữa cỗ Tất niên cả gia đình ngồi xum họp trước màn hình TV uống trà và tổng kết những việc được cũng như chưa được của năm qua. Tiếng pháo hoa mở màn cho thời khắc giao thừa sang năm mới cũng là lúc bà Tân Minh mở “hầu bao” lấy tiền mừng tuổi cho con cháu. Đáp lại, các con, cháu trong gia đình đều nâng ly rượu chúc tụng ông, bà sống lâu, sống khoẻ, vui vẻ với cuộc đời. Chai sâm banh năm mới được mở ra với tiếng nổ vang hoà vào âm thanh của bài hát “Happy new year” mang lại sắc xuân và không khí Tết đầm ấm cho cả đại gia đình... Ông Tân Minh cho biết, năm nay ông bước sang tuổi 75, và gia đình ông đã có truyền thống đón giao thừa tập trung như vậy đã được gần 15 năm nay, kể từ khi cả 3 người con trai ông đều lập gia đình riêng. Sau thời khắc giao thừa, các “tiểu gia đình” mới được chào ông bà để về “xông đất” tại nhà riêng của mình. Theo ông Tân Minh, mỗi năm chỉ cần 1 lần tổ chức như vậy vào dịp Tết sẽ tạo ra một sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời cũng là một hình thức để giáo dục con cháu luôn luôn phải nhớ tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ...
Bà Nguyễn Thị Thao ở Tổ 1 Phường Hàng Bài năm nay đón giao thừa một mình, nhưng bà cũng sắm sửa đầy đủ một mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên truyền thống. Ông nhà mới mất hơn 2 năm, và Tết Giáp Thân này cả 2 cô con gái bà đều đi công tác nước ngoài không về được khiến bà Thao có phần thấy cô đơn. Tuy nhiên, khi thời khắc giao thừa tới, không khí năm mới ùa vào nhà đã khiến bà Thao thấy phấn chấn hẳn lên. Bà bước khoan thai ra cửa hít thở khí xuân, đón giao thừa với những chùm pháo hoa xanh đỏ trên trời, thì cũng là lúc phóng viên HNM điện tử đến “gõ cửa xông đất ”. Mời chúng tôi vào nhà, niềm vui của năm mới thấy thể hiện rõ trên gương mặt của người phụ nữ đã gần tới tuổi lục tuần này...
Tin, bài : P.Dũng - H. Hải - T.Quang - T. Chung - T. Nga - T. Hoa
Ảnh: H.Hải - T. Chung - P.Thảo - T.Hoa
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.