Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao niềm tin cho người cùng cảnh ngộ

Chí An| 14/03/2016 06:39

(HNM) - Trên đôi chân tật nguyền, Nguyễn Hữu Chuyền, quê Ninh Xá, Thuận Thành (Bắc Ninh) đã rong ruổi khắp nơi tìm đường lập nghiệp. Trải qua bao sóng gió, giờ đây Chuyền đã có một mái ấm, một trung tâm dạy nghề sửa chữa máy tính, iPad… miễn phí cho người khuyết tật.

Anh Nguyễn Hữu Chuyền đang vừa sửa chữa thiết bị điện tử vừa hướng dẫn cho các học viên.


Vất vả lập nghiệp

Người dân xã Ninh Xá sẽ chẳng thể ngờ được "thằng" Chuyền khuyết tật ở quê họ được lên ti vi vì không chỉ mở công ty mà còn dạy nghề miễn phí cho người khác. Bởi trong suy nghĩ của những người dân vùng quê nghèo, cuộc sống của Chuyền sẽ mãi trong "cái ao tù" vì liệt cả đôi chân.

Chứng bại não đã cướp đi cuộc sống bình thường của Chuyền. Từ năm 2 tuổi, khi những đứa trẻ cùng trang lứa đã lững chững đi thì Chuyền chỉ ngồi một chỗ. Lớn lên chút nữa, trong cậu vẫn tràn đầy khát khao sống một cuộc sống bình thường. Chuyền đều đặn đến trường dù với em, mọi con đường đều không bằng phẳng.

Chính những kiến thức ở trường và cái nhìn ái ngại của mọi người đã thôi thúc Chuyền ở tuổi 20 phải tìm cho mình một hướng đi. Cậu quyết định lên Hà Nội để viết nên ước mơ của đời mình. Chuyền bày tỏ nguyện vọng với bố mẹ. Bà Nguyễn Thị Nhịp nước mắt như mưa, lo lắng nhưng cũng chiều lòng cậu con trai. Tuy nhiên, bố Chuyền một mực không đồng ý. Thương con, ông cả đời quần quật làm việc, dành dụm được chút tiền, tính sẽ gửi ngân hàng cho Chuyền cưới một cô vợ rồi an phận sống ở nhà. Ông bảo: "Con sức khỏe yếu, không phải nghĩ nhiều đến chuyện bươn chải nơi xứ người. Bố đã dành cả cuộc đời để lo lắng cho tương lai của con rồi". Dù vậy, Chuyền vẫn quyết định lên đường. Năm 2007, Chuyền bắt đầu hành trình lập nghiệp. Hành trang em mang theo là chiếc xe lăn, một chút tiền và ước mơ tự lập.

Chuyền chia sẻ: "Ngay từ ngày nhỏ, tôi đã hay tò mò tìm cách sửa chữa ti vi, đồ điện trong nhà, mặc dù có lúc "chữa lợn lành thành què" nhưng điều đó làm tôi ham thích. Tôi biết, mình nên chọn công việc đó để làm và nuôi sống bản thân". Vạch rõ con đường lập nghiệp cho bản thân, Chuyền tìm đến các trung tâm dạy nghề để học về sửa chữa máy tính, đồ điện tử... Chuyền quyết tâm học cho kỹ, cho sâu mọi kiến thức được dạy. Mọi người đăng ký học 6 tháng, Chuyền xin học đến 16 tháng để vững tay nghề.

Khi bắt đầu thạo việc, Chuyền đi làm thuê cho các trung tâm, các công ty về sửa chữa điện tử. Thực tế công việc giúp cho tay nghề của anh khá hơn. Tuy nhiên, mức lương ít ỏi không thể giúp Chuyền thực hiện ước mơ nuôi sống bản thân, gia đình và cưu mang người đồng cảnh. Chuyền bỏ việc. Anh gọi điện về quê nhờ bố mẹ vay gần 30 triệu đồng để làm vốn kinh doanh. Công ty của Chuyền hoạt động được một thời gian thì phá sản, anh ôm thêm món nợ gần 300 triệu đồng. Lần thất bại ấy, anh nhận ra mình ngoài chuyên môn kỹ thuật thì thiếu rất nhiều thứ: Không có khả năng thu hút khách hàng, quản lý tài chính...

Chuyền quyết định phải học và đi để trải nghiệm thêm. Lên tàu, anh rong ruổi khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam. Anh tìm gặp những người bạn từng học ở trung tâm học nghề với mình, làm cùng với họ, học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau đó, anh dừng chân ở Nha Trang. Tại đây, với kinh nghiệm sẵn có, anh được đề bạt làm trưởng phòng kỹ thuật của một công ty chuyên về thiết bị điện tử. Với vị trí này, Chuyền có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với khách hàng, năng lực quản lý cũng nâng cao. Vốn sống, sự hiểu biết ngày càng dày dặn, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Chuyền dần trưởng thành hơn.

Năm 2012, Chuyền lập gia đình với một cô gái người Hà Nội, một người luôn hiểu và chia sẻ với những thiệt thòi trong cuộc đời của anh.

Đồng hành cùng người khuyết tật

Khi đã có năng lực về tài chính và chuyên môn, Chuyền quyết định thách thức bản thân một lần nữa. Cuối năm 2013, Chuyền xin giấy phép thành lập Công ty cổ phần Nghị lực Việt, chuyên dạy nghề sửa chữa máy vi tính để bàn, laptop, iPad… miễn phí cho người khuyết tật. Để có không gian làm việc và giúp các học viên được ăn ở tại chỗ, không phải thuê trọ gây khó khăn trong việc đi lại, Chuyền thuê hẳn một căn nhà hai tầng trên phố Yên Lãng, phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội). Trung tâm Nghị lực Việt do Chuyền làm giám đốc đã đào tạo nghề miễn phí cho hàng chục học viên là người khuyết tật và họ đã tự mở các cửa hàng ở quê để nuôi sống bản thân. Cuối năm 2015, Chuyền xây dựng thêm cơ sở 2 trên đường Giải Phóng. Hiện tại, có gần 20 học viên theo học ở hai cơ sở của trung tâm.

Chuyền tâm sự, để dạy kỹ thuật cho các bạn khuyết tật đã là một khó khăn, khó khăn hơn nữa là giúp các bạn vượt qua khỏi tâm lý tự ti. Để cởi bỏ ý nghĩ "mình không làm được" cho những học viên trung tâm, Chuyền thường xuyên gần gũi, trò chuyện với các bạn. Anh kể cho họ nghe những khó khăn mình đã trải qua, những động lực giúp anh vượt qua thử thách và thực hiện ước mơ của đời mình. Anh đã truyền cảm hứng đến tất cả mọi người.

Tìm đến Trung tâm Nghị lực Việt, chúng tôi thấy các nhân viên, học viên đang tất bật với công việc sửa chữa máy tính, điện thoại... Anh Nguyễn Hữu Chuyền vừa chỉ dạy cho học viên vừa sửa máy cho khách. Những cuộc gọi tư vấn, nhờ sửa máy đến liên tục. Với công việc nào Chuyền cũng dành hết tâm huyết. Những vị khách của trung tâm ai cũng vui vẻ, đồng thời bày tỏ sự cảm phục và hài lòng khi chứng kiến, cảm nhận được tâm huyết của anh Chuyền và các học viên.

Học viên Kiều Quang Quỳnh đến từ huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), bị khuyết tật vận động 2 chân, đã học ở trung tâm được gần 4 tháng và tự mình sửa chữa được những hỏng hóc cơ bản trên máy vi tính. Quỳnh tâm sự: "Trước khi vào đây, tôi đã đến nhiều nơi để xin học nghề nhưng họ không nhận, nơi nào nhận thì học phí 10-15 triệu đồng/khóa học, chưa kể tiền thuê nhà trọ, ăn ở. Học ở đây, chúng tôi thân thiết với nhau lắm. Nghề chúng tôi chọn cũng rất phù hợp với sức khỏe. Nhiều bạn bị khuyết tật sau khi học ở trung tâm đã tự mở cửa hàng ở quê, mỗi tháng thu nhập cũng được 5-10 triệu đồng.

Tôi cũng mong mình sau này làm được như các bạn để không phải phụ thuộc gia đình". Nguyễn Quang Huy, một học viên mới của trung tâm cho biết: "Em xem trên ti vi, thấy nói có trung tâm học nghề dành cho người khuyết tật như mình nên đăng ký vào học. Em chỉ mới được anh Chuyền nhận vào mấy ngày nay thôi nhưng em cảm thấy vui vì mọi người rất gần gũi và chia sẻ với em.

Em mong mình sẽ có nghề trong tay, mở cửa hàng sửa chữa và sống tự lập." Còn Giám đốc Nguyễn Hữu Chuyền thì hào hứng, tới đây, trung tâm đào tạo thêm CEO và Photoshop, mở thêm cơ hội cho nhiều hơn những người cùng cảnh ngộ. "Ước muốn của tôi bây giờ là làm sao có nhiều máy tính cũ, thậm chí là máy tính hỏng. Tôi sẽ sửa chữa lại để các bạn học viên có cái thực tế để thực hành" - Chuyền chân thành.

Mong rằng ao ước ấy sẽ thành hiện thực và Nguyễn Hữu Chuyền tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Điều ấy hoàn toàn xứng đáng với một người không chỉ dũng cảm, nỗ lực tự vượt qua số phận mà còn mang lại niềm tin sống cho những người cùng cảnh ngộ như anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao niềm tin cho người cùng cảnh ngộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.