(HNMCT) - Việc cắt ghép hình ảnh, tóm tắt nội dung phim hay tiết lộ những chi tiết quan trọng (gọi tắt là trào lưu review phim) đang bùng nổ trên mạng xã hội, rất khó kiểm soát. Đó là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất nhưng vẫn chưa được xử lý kịp thời, mạnh tay.
Phim chưa ra, nội dung đã rò rỉ
Mặc dù đã có nhiều vụ việc được xử lý, nhiều tình huống vi phạm bản quyền được cảnh báo liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng tình trạng review phim trái phép hiện vẫn tái diễn với những chiêu thức mới, tinh vi hơn. Mỗi khi có phim “hot”, các nhà sản xuất và nghệ sĩ lại đau đầu trước việc bảo vệ “đứa con tinh thần”.
Mới đây, diễn viên Trấn Thành đã bày tỏ sự bức xúc khi một số khán giả cắt xén, đăng tải hình ảnh và tiết lộ một số chi tiết quan trọng trong bộ phim mới “Hẻm cụt” của anh lên mạng xã hội TikTok. Trên trang cá nhân, Trấn Thành cho biết: “Phim “Hẻm cụt” tôi chưa kịp phát gì mà mấy bạn đã phát trên TikTok rồi. Coi như tôi năn nỉ mọi người đừng có làm vậy, tội nghiệp tôi lắm. Một bộ phim hay là do nó bí ẩn, các bạn phải xem nguyên một tập mới thấy hay. Nhiều khi cứ lấy nội dung cắt ra clip 1 - 2 phút rồi đăng lên đó, tôi buồn ghê”.
Dịch bệnh căng thẳng khiến hoạt động điện ảnh năm 2021 gần như đóng băng, nghệ sĩ và các nhà sản xuất buộc phải xoay sang sản xuất phim webdrama (phim chiếu trên các nền tảng online). Thế nhưng, việc người xem chia sẻ nội dung lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tỷ lệ người xem cũng như doanh thu của nhà sản xuất. Chính vì vậy, Trấn Thành cho biết: “Làm phim kiểu này mai mốt không dám làm nữa. Thiệt. Làm phim mà phát hết trơn của người ta. Mọi người phải nhắc nhau chứ. Mà thấy đăng lên mọi người đừng xem, vì có 3 phút thôi xem làm gì. Mình hãy đợi bản full để xem. Tôi lên thấy đầy hết trơn mà tôi buồn, nguyên ngày hôm qua tôi không ăn uống”.
Thực tế, dù các hoạt động livestream phim từ trong rạp, phát phim lậu đã bị xử lý mạnh tay thì trào lưu review phim trên mạng lại nổi lên như “nấm sau mưa”. Video tóm tắt phim tràn ngập trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok...
Đặc biệt, trên YouTube, trào lưu này nở rộ đến mức có người gọi đây là “ngành công nghiệp giải trí mới nổi ở Việt Nam”. Có hàng chục kênh chuyên tóm tắt phim như Sa TV Review Phim, Review Vui, Tóm tắt phim xàm, Aha Movie… Hầu hết các phim nổi tiếng, từ bom tấn nước ngoài đến phim trong nước đều được tóm tắt bằng những video dài 5 - 7 phút. Các kênh này thu hút rất đông người xem, mang lại nguồn thu lớn cho chủ kênh. Tuy nhiên, chất lượng của các video ngắn mang danh “review phim” này lại rất đáng bàn, bởi nó không mang tính chất bình luận mà chủ yếu tóm tắt nội dung phim bằng phụ đề hoặc thuyết minh. Thậm chí, có video thể hiện thông tin sai lệch về nội dung phim hoặc thêm những bình luận thiếu văn hóa, phản cảm.
Xử lý ra sao?
Việc cắt ghép hình ảnh trong phim thành các đoạn ngắn để “review” có thể “lách” được công cụ kiểm duyệt bản quyền của các mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook. Tuy nhiên, việc làm này gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất phim không kém gì so với các trang phim lậu bởi theo nhận định chung, một khi nội dung phim, đặc biệt là những chi tiết đắt giá bị tiết lộ sẽ làm giảm khả năng hấp dẫn của bộ phim, khiến người xem không còn hứng thú theo dõi toàn bộ phim.
Theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, việc tiết lộ nội dung phim, đăng tải hình ảnh trong phim mà chưa có sự đồng ý của tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể, trong trường hợp phim “Hẻm cụt” của Trấn Thành, đó là hành vi “truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả” (khoản 10, Điều 28).
Còn với hầu hết các kênh mang danh “review” phim, theo ông Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh, những cảnh phim cắt ghép trong video tóm tắt đều có điểm chung là không xin phép, không mua bản quyền từ đơn vị làm phim. Chủ các kênh này đều có mục đích kiếm tiền, do vậy cũng không nằm trong các trường hợp được sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định. Do đó, căn cứ khoản 6, 8, 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, những hành vi như trên đã cấu thành việc sao chép, sử dụng và truyền bá trái phép tác phẩm điện ảnh đến công chúng.
Thực tế ở nhiều nước, việc review phim trái phép có thể phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Luật TNHH T2H, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa có cơ chế xử lý rõ ràng, triệt để. Muốn ngăn chặn tình trạng này, chính các nhà sản xuất cũng phải mạnh dạn khởi kiện đơn vị, cá nhân vi phạm để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như góp phần nâng cao ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với công chúng nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.