Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trào lưu “anti vắc xin”: Hậu quả khôn lường!

Hương Thủy| 15/03/2019 12:11

(HNMO) - Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít phụ huynh vì lo sợ phản ứng của vắc xin hoặc theo trào lưu “anti vắc xin” (chống vắc xin) đã không cho con tiêm vắc xin.


Theo thống kê của khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương, hầu hết các trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi điều trị tại khoa đều chưa tiêm phòng. Điều đáng nói, trong số này có cả những trường hợp mắc bệnh do cha mẹ nhất định không cho con tiêm vắc xin.

Nhiều trẻ mắc sởi do chưa tiêm phòng. (Ảnh minh họa, nguồn: internet)


Vào đầu tháng 3, bé Diệp Anh, 17 tháng tuổi, ở Hà Nam bỗng nhiên lên cơn sốt kèm theo nổi các nốt đỏ li ti trên mặt. Ban đầu, bé chỉ sốt nhẹ nhưng hôm sau thì nhiệt độ cơ thể tăng cao kèm theo biểu hiện li bì. Các nốt ban từ mặt đã lan xuống ngực, cánh tay và 2 bàn chân của cháu. Ngày 7-3, bé được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Tại đây, sau khi thăm khám, cháu được các bác sĩ kết luận mắc sởi. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện đây là trường hợp bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi được hỏi nguyên nhân, bà cháu Diệp Anh cho biết, mẹ cháu đọc nhiều bài báo trên mạng xã hội, lo sợ phản ứng sau khi tiêm nên nhất định không cho cháu tiêm phòng, khuyên nhủ mọi cách đều không được.

Công tác tại khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương nhiều năm, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa cho hay, ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện do các biến chứng nặng sau khi mắc sởi.

Trường hợp điển hình là một bé trai 20 tháng tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng, phim chụp X-quang có hình ảnh nốt mờ rải rác hai phổi. Cháu bé được chẩn đoán viêm phổi-suy hô hấp, một trong những biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ mắc sởi.

May mắn, sau gần 3 tuần được các bác sĩ tích cực điều trị, cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Điều đáng nói là dù đã gần 2 tuổi nhưng bé chưa được gia đình cho tiêm phòng.

Không chỉ ở Bệnh viện Nhi trung ương, mà ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, như HNMO đã phản ánh, có trường hợp bệnh nhi 13 tháng tuổi ở Phú Thọ vào viện điều trị sởi với biểu hiện sốt, kèm theo chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân, nhiều nhất ở vùng mặt, ngực, bụng, lưng. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc sởi có biến chứng viêm phổi. Qua tìm hiểu, mẹ bệnh nhi đã không cho con đi tiêm phòng vì theo trào lưu “anti vắc xin” trên mạng.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…

Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư và dễ bùng phát thành dịch. Hiện nay, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm đủ liều vắc-xin phòng sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Tuy nhiên, gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tự phát khuyến khích cha mẹ không tiêm vắc-xin phòng bệnh cho con. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đi tiêm phòng. Và hệ quả là nhiều bé không được bảo vệ khỏi những bệnh lây nhiễm nguy hiểm, trong đó có sởi, đồng thời dịch bệnh có cơ hội hoành hành trong cộng đồng.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.


Bác sĩ Phạm Quỳnh Trang - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, việc vận động cho trẻ đi tiêm phòng khá vất vả, một phần vì cha mẹ thờ ơ, một phần bởi họ theo trào lưu trên mạng không tiêm vắc xin.

Gần đây nhất, trong đợt tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi, khi được cán bộ y tế thuyết phục đưa con đi tiêm, có phụ huynh còn nói rằng: “Con tôi từ lúc sinh ra đến giờ tôi không tiêm mũi vắc xin nào mà cháu có sao đâu?!”. Tuy nhiên, không lâu sau đó, con của chính phụ huynh đó bị sởi.

Mặc dù vậy, không phải vì khó mà cán bộ y tế cơ sở nản lòng. Họ vẫn hằng ngày tuyên truyền, phổ biến đến người dân về tác dụng của vắc xin và sự cần thiết trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhưng, theo bác sĩ Phạm Quỳnh Trang, điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần có sự nhận thức đúng, tránh làm theo những trào lưu trên mạng.

Vắc xin sởi là vắc xin sống, lành tính và không có tác dụng phụ, nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên được miễn phí.

“Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Chính vì vậy, cha mẹ không nên tước bỏ quyền được phòng bệnh của con mà hãy cho con đi tiêm đúng lịch”, bác sĩ Phạm Quỳnh Trang khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trào lưu “anti vắc xin”: Hậu quả khôn lường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.