(HNMO) - Sáng 14-2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2021. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và trao giải.
Năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 216 tác phẩm đề cử xét giải thưởng văn học, trong đó có 70 tác phẩm văn xuôi, 91 tác phẩm thơ, 16 tác phẩm lý luận phê bình, 20 tác phẩm văn học dịch và 9 tác phẩm văn học thiếu nhi. Qua vòng loại, Hội đồng sơ khảo đã chọn 15 tác phẩm vào chung khảo, gồm 2 tác phẩm văn xuôi, 3 tác phẩm thơ, 4 tác phẩm lý luận phê bình, 3 tác phẩm văn học dịch, 3 tác phẩm văn học thiếu nhi.
Ở thể loại văn xuôi, tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của nhà văn Nguyễn Bình Phương khai thác thân phận một con người, từ đó khái quát thực trạng xã hội với giọng điệu riêng biệt, độc đáo, mới mẻ, hiện đại, đã được trao giải thưởng. Thể loại thơ không có tác phẩm đoạt giải, nhưng theo các hội đồng, thơ vẫn đang trên đà chuyển động đáng mừng, với những khuynh hướng đương đại rõ nét.
Thể loại lý luận phê bình, cuốn “Văn bản văn học và sự bất ổn của chữ” của tác giả Trương Đăng Dung đoạt giải thưởng. Tác phẩm đạt chất lượng khoa học cao, có tính chuẩn mực về học thuật khi người viết phân tích, luận giải các vấn đề khoa học văn học xuất phát từ nền tảng triết học và mỹ học.
Thể loại văn học dịch được trao cho tác phẩm “Châu Phi nghìn trùng” – cuốn hồi ký của nữ tác giả Isak Dinesen do dịch giả Hà Thế Giang dịch. Dịch giả đã chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế.
Sau hơn 10 năm, thể loại văn học thiếu nhi trở lại, nằm trong hệ thống xét giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Cuốn “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa đã đoạt giải thưởng. Với cách kể giản dị, xúc động, chân thực, tác giả đã biến những câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ thành ký ức không thể quên trong mỗi người.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, giải thưởng đã lựa chọn các tác phẩm xứng đáng, phản ánh thực trạng của văn học trong năm 2021. Các tác phẩm đoạt giải đều truyền tải cái đẹp của nghệ thuật, mang thông điệp nhân văn. Chúng không chỉ nhận được sự đánh giá cao của các hội đồng chuyên môn mà đang tiếp tục đến với đông đảo bạn đọc cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng Hội Nhà văn Việt Nam thông qua chương trình hành động và các hoạt động cụ thể triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Chúc mừng các tác giả đoạt giải thưởng và các hội viên mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ hy vọng những thông điệp từ giải thưởng của Hội có tác động không chỉ trong giới văn học mà còn tác động đến xã hội tích cực và có sức sống lâu bền.
Để hoạt động hiệu quả, phát triển văn học Việt Nam đúng định hướng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ, các nhà văn, nhà thơ cần dùng ngòi bút tâm huyết để gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống sâu sắc, độc đáo của văn học, nghệ thuật nước nhà; phê phán những mặt trái, cái xấu; bảo vệ, lan tỏa những điều tốt đẹp; phát huy vai trò của văn học trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, lối sống con người Việt Nam; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hội Nhà văn Việt Nam cùng các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động hiệu quả, phát huy tài năng. Thời gian tới, Hội nên chú trọng phát triển tài năng trẻ và tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kết nạp 34 hội viên mới và trao giải nhà văn nữ ấn tượng cho nhà thơ Mai Hường và nhà thơ Huệ Triệu (thành phố Hồ Chí Minh).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.