(HNMO) - Chiều 23-11, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc với đoàn cán bộ và già làng, trưởng bản, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Hà Hà Văn Thuận, Trưởng đoàn đại biểu huyện Lâm Hà, cho biết: Huyện Lâm Hà có diện tích tự nhiên hơn 93.000ha, dân số gần 150.000 người với trên 30 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn 14 xã, 2 thị trấn.
Qua 35 năm xây dựng, phát triển (28/10/1987 - 28/10/2022) và 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của huyện khá ổn định. Thu nhập bình quân năm 2020 đạt trên 52 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,68%; chất lượng y tế, giáo dục được đảm bảo. 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện thứ 5 của tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Thị Kim Dung đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và cho biết: Đồng bào các dân tộc thiểu số của Hà Nội sống quần cư thành thôn, bản thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, dân số trên 55.000 người, chiếm 51% người dân tộc thiểu số toàn thành phố.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, thành phố và các cấp, các ngành, 100% xã vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô đạt chuẩn nông thôn mới (thuộc xã khu vực I); giữ vững 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo 0,53% (tính đến cuối năm 2021).
Người có uy tín trong đồng bào người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, là nhân tố tích cực trong vận động người dân ở thôn, làng, động viên con cháu tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi, làm rõ thêm những thành tích, kết quả và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở từng địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.