Một chiếc đồng hồ bỏ túi vĩnh viễn dừng lại ở thời điểm 8h15 sáng khi quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống nước Nhật. Những bức tranh, bức ảnh ghi lại hình ảnh những thi thể bị biến dạng, những gương mặt la hét hoảng loạn bị nhấn chìm trong biển lửa…
Một chiếc đồng hồ bỏ túi vĩnh viễn dừng lại ở thời điểm 8h15 sáng khi quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống nước Nhật. Một bức ảnh chụp những thi thể bị biến dạng, những gương mặt đang la hét hoảng loạn bị nhận chìm trong biển lửa. Một hộp đựng cơm trưa của một bé gái - cô bé đã biến mất không để lại dấu vết sau vụ ném bom nguyên tử kinh hoàng. Và còn nhiều hiện vật trưng bày khác nữa…
Khi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II đang đến gần, Viện bảo tàng Đại học Mỹ ở thủ đô Washington đang trưng bày những hiện vật, những tác phẩm nghệ thuật gợi nhớ lại vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật.
Triển lãm đang diễn ra trên đất Mỹ đã đưa lại một góc nhìn trở lại thời điểm kết thúc Thế chiến II, khi nước Nhật cũng trở thành nạn nhân. Triển lãm này đã được dự báo trước rằng sẽ có thể khiến một số cựu quân nhân Mỹ phản đối.
Con số chính xác những người bị thiệt mạng vì vụ ném bom nguyên tử này không bao giờ có thể được biết chính xác, người ta chỉ có thể ước tính được rằng có khoảng 200.000 người đã thiệt mạng.
Hồi năm 1995, khi một cuộc triển lãm được tổ chức ở Mỹ để tưởng niệm các nạn nhân sau 50 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật, một cuộc tranh cãi dữ dội trong dư luận Mỹ đã xảy ra xung quanh cuộc triển lãm tổ chức ở Viện Smithsonian với hiện vật trung tâm là chiếc máy bay mang tên Enola Gay - chiếc máy bay đầu tiên trong lịch sử loài người ném xuống một quả bom nguyên tử (ở thành phố Hiroshima, Nhật, ngày 6/8/1945).
Triển lãm sau đó đã phải tổ chức với quy mô nhỏ hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu bởi sự phản đối dữ dội của những cựu quân nhân Mỹ.
Năm đó, giám đốc của Viện Nghiên cứu Hạt nhân thuộc trường Đại học Mỹ đã đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm tư nhân dành cho những hiện vật gây tranh cãi mà trước đó Viện Smithsonian đã không thể đưa ra trưng bày. Được thực hiện bởi một viện nghiên cứu tư nhân khiến cuộc triển lãm sau này bớt gây tranh cãi hơn.
Giờ đây, khi những tranh cãi đã phần nào lắng dịu và đôi bên đều có cách nhìn nhận cởi mở, thấu hiểu hơn về những gì đã diễn ra, sau 20 năm, một cuộc triển lãm khác lại được tổ chức để tưởng niệm những nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử, triển lãm được tổ chức ngay trên đất Mỹ, bắt đầu mở cửa từ nay cho tới hết ngày 16/8. Lần này, không có tranh cãi dữ dội nào xảy ra.
Tại cuộc triển lãm lần này, người ta trưng bày 6 bức tranh khổ lớn, được thực hiện bởi cặp vợ chồng họa sĩ nổi tiếng của Nhật - Maruki Iri và Maruki Toshi - những người vốn được biết tới với những bức tranh khổ lớn khắc họa dữ dội nỗi kinh hoàng về bom nguyên tử. Những bức tranh vốn được trưng bày tại Triển lãm Maruki ở ngoại ô Tokyo.
Người ta thường gọi chùm tranh này là “Những bức tranh Hiroshima”. Giờ đây, lần đầu tiên những tác phẩm nghệ thuật này được trưng bày ở thủ đô của nước Mỹ.
Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật là những hiện vật lịch sử từng được thu thập từ đống đổ nát, trong số đó có một chuỗi tràng hạt, một mảnh kính vỡ (lấy ra từ thi thể một nạn nhân), một chai rượu sake, một chiếc mũ đồng phục học sinh, một chiếc giày thanh niên…
Viện bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và Viện bảo tàng Bom Nguyên tử Nagasaki của Nhật cũng gửi tới triển lãm những bức ảnh ghi lại khung cảnh tan hoang của hai thành phố cũng như những bức ảnh kinh hoàng về các nạn nhân.
Mục đích của triển lãm đang được diễn ra này là khắc họa lại những bi kịch mà con người đã phải gánh chịu bởi bom nguyên tử. Đặt trong bối cảnh các vũ khí quân sự đang ngày càng có tính hủy diệt lớn, ban tổ chức muốn đưa ra thông điệp rằng nhân loại không bao giờ được quên những nguy hiểm tiềm ẩn đến từ vũ khí nguyên tử, sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và tầm quan trọng của việc cấm sử dụng vũ khí hạt nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.