Thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp chiều 31-10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hành lang pháp lý trên các lĩnh vực phải rõ ràng, đầy đủ, tránh tình trạng hỏi nhiều lần nhưng trả lời không rõ về áp dụng văn bản pháp luật.
Đánh giá kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) nhận định: Nhiều quy định trong Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan chậm được sửa đổi, nhiều vấn đề có quy định nhưng chậm hướng dẫn, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đại biểu kiến nghị Chính phủ có kế hoạch và danh mục chi tiết, tập trung hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực đầu tư công.
“Hành lang pháp lý trên các lĩnh vực phải rõ ràng, đầy đủ, tránh tình trạng “hỏi nhiều lần nhưng trả lời không rõ về áp dụng văn bản pháp luật nào”, đẩy khó khăn và rủi ro cho những người trực tiếp thực thi công vụ”, đại biểu nói và cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giám sát định kỳ các văn bản dưới luật.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, rà soát phải bảo đảm khách quan, kiến nghị sửa đổi phải thích đáng, hạn chế đề xuất một luật sửa nhiều luật.
Trên cơ sở theo dõi, giám sát các lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội đã có ý kiến đánh giá về kết quả rà soát, bổ sung một số nội dung để Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi. Đại biểu Đoàn Hải Dương bày tỏ nhất trí với việc Quốc hội tiếp tục quy định nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp thứ sáu. Trong đó, cần nhấn mạnh hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đại biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục củng cố lực lượng pháp chế để thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác rà soát thường xuyên theo quy định. Cần ban hành văn bản hướng dẫn để có giải pháp cụ thể, rõ ràng triển khai công tác này.
Để giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn nữa những tồn tại, hạn chế trong công tác này, trong đó rất cần phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa công tác rà soát văn bản với xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Đồng thời đại biểu đề nghị cần xác định rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.