(HNMO) – Đó là chủ đề bài diễn thuyết của ông Stefan Tanase - Nhà nghiên cứu cấp cao về bảo mật, Nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu Kaspersky Lab trong Hội thảo và Triển lãm quốc gia an ninh bảo mật năm 2011 diễn ra trong sáng nay 5/4, tại Hà Nội.
Ông Stefan Tanase cho hay, cuối năm 2010, WikiLeaks và Julian Assange đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi cho công bố những thông tin tài liệu tuyệt mật của chính phủ Hoa Kỳ. Hành động này đã tạo ra một hệ quả vô tiền khoáng hậu làm chấn động các chính phủ và khiến các công ty đa quốc gia trên toàn cầu phải sửng sốt. Nó đặc biệt tạo ra những quan ngại mới trong ngành an ninh công nghệ thông tin. Tất cả các tổ chức và thậm chí cá nhân trên toàn cầu đều đang đối mặt với một nguy cơ chung từ các malware có khả năng xâm nhập và đánh cắp dữ liệu. Tuy nhiên hiện nay nguy cơ này vẫn không được đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của nó.
Các malware đánh cắp dữ liệu bao gồm các dòng malware như trojan can thiệp hoạt động giao dịch ngân hàng, trojan đánh cắp mật mã và các trojan gián điệp. Các mối hiểm họa này đang gia tăng với tốc độ chóng mặt 87% trong năm qua và đặc biệt các dòng phần mềm gián điệp tăng đến 135%.
Xu hướng này đang diễn ra khi mà giới tin tặc vốn đã nắm trong tay hàng ngàn máy tính cá nhân và bổ sung vào kho botnets của chúng. Tuy nhiên hiện nay bọn tội phạm chỉ mới dừng lại ở mức sử dụng các máy tính này phục vụ cho các hoạt động tấn công truyền thống như DDos hoặc phát tán thư rác. Về lâu dài, khó có thể tưởng tượng được những hậu quả có thể xảy ra khi chúng bắt đầu sử dụng các thông tin được chứa trong các máy tính này. Nếu một sự cố tương tự Wikileaks xảy ra khiến các thông tin cá nhân này bị tung lên mạng một cách công khai, chắc chắn một cuộc khủng hoảng về an ninh thông tin lớn nhất trong lịch sử sẽ xảy ra, không chỉ đối với từng cá nhân mà còn đe dọa tất cả các tổ chức trên toàn cầu.
Những sự kiện gần đây, tiêu biểu nhất là vụ bê bối WikiLeaks hoặc việc HBGary bị tấn công chỉ cung cấp thêm động lực cho tội phạm mạng để theo đuổi phương thức đánh cắp thông tin.
Trao đổi với các phóng viên bên lề buổi hội thảo, ông Stefan Tanase chia sẻ, việc lộ thông tin hiện nay nhiều nhất phát ra từ các mạng xã hội; khi chia sẻ thông tin, các nhân viên trong các công ty, tập đoàn có thể để lộ ra các từ, hay cụm từ liên quan đến dự án đang làm, đó là cơ sở cho các hacker tìm hiểu để tấn công. Ở Việt Nam, Kido Conficker là loại virut đã xuất hiện cách đây 1 năm (đã công phá đến hàng triệu máy tính trên toàn cầu) hiện vẫn tương đối lan tràn; nguyên do ở Việt Nam vẫn dùng các loại hệ điều hành cũ, phần mềm lậu, ít cập nhất các công nghệ bảo mật mới.
Theo ông Stefan Tanase, để bảo vệ các thông tin cá nhân không bị đánh cắp, người dùng nên cài đặt hệ thống bảo mật cập nhật có bản quyền. Kaspersky Lab cũng hỗ trợ cộng đồng bằng cách công bố những loại virút mới xuất hiện, những công nghệ bảo mật mới phát minh. Bên cạnh đó, ông Stefan Tanase khuyên nếu người dùng vô tình biết máy tính hay máy điện thoại của mình đang bị đánh cắp dữ liệu, nên ngắt ngay kết nối internet, tắt nguồn điện và đưa đến các chuyên gia xử lý để khôi phục lại thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.