(HNM) - Thời gian gần đây, tại các bệnh viện khu vực miền Bắc tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện do ngộ độc khi ăn phải các loại hải sản có chứa độc tố. Để tránh rước họa vào thân, người dân không nên ăn những loại hải sản mới lạ, không rõ nguồn gốc; chỉ nên ăn các loại hải sản quen thuộc khi còn tươi, được nấu chín và chắc chắn không có độc tố.
Nhập viện do ốc biển, cá biển... chứa độc tố
Trước khi nhập viện một ngày, vợ chồng anh P.V.X (ở tỉnh Quảng Ninh) có đi ăn ốc biển vào buổi tối. Sau khi ăn, hai vợ chồng thấy tê lưỡi, tê đầu môi, tê bì chân tay. Đến sáng hôm sau ngủ dậy, họ còn thấy xuất hiện tình trạng chóng mặt, đi lại khó khăn nên lập tức đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. May mắn, sau 5 ngày điều trị thải độc, tình trạng sức khỏe của hai bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, ốc biển là nguyên liệu hải sản phổ biến trong ẩm thực, được nhiều thực khách yêu thích, sử dụng. Tuy nhiên, một số loài ốc biển như: Ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc bùn… có chứa độc tố và có khả năng gây ngộ độc. Chất độc của ốc biển thường có hai loại chính là saxitoxin và tetrodotoxin, đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh.
Tương tự, thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc ciguatera do ăn hải sản. Đáng chú ý, độc tố ciguatera không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu, bền vững trong môi trường axit, muối. Các loại cá biển chứa độc tố ciguatera như: Cá nhồng, cá hồng, cá chình, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược...
Ngoài ra, tại Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận những trường hợp nhập viện do ngộ độc histamine sau khi ăn phải hải sản đông lạnh, không còn tươi. Biểu hiện sau khi nhiễm phải chất độc này giống như dị ứng nhưng bản chất không phải vậy. Đáng chú ý là các loại chất độc như saxitoxin, tetrodotoxin và histamine đều bền vững với nhiệt. Do đó, các biện pháp chế biến hiện nay đều không bảo đảm loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc.
Không nên ăn những loại hải sản mới lạ
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy), các triệu chứng ngộ độc một số loại hải sản từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào lượng độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, thời gian chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Biểu hiện thường gặp trên các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn so biển, ốc biển… là tê môi, tê lưỡi, tay, chân, chóng mặt, nôn, đau bụng, tiêu chảy… Khi bị ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị khó thở, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, liệt cơ hô hấp, suy hô hấp…, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để tránh ăn phải những loại hải sản có độc, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người dân không nên ăn những loại hải sản mới lạ, không rõ nguồn gốc, tên gọi… Đặc biệt, người dân cần phân biệt được một số loại hải sản chứa độc tố có thực thể giống với hải sản không độc tố trước khi sử dụng. Khi có dấu hiệu ngộ độc hải sản như nôn, tê môi, miệng, chân, tay, tức ngực, toàn thân biểu hiện mệt mỏi… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, hải sản mua để sử dụng phải tươi sống. Bởi hải sản đã chết có thể tiết ra chất độc, do đó tuyệt đối không ăn hải sản ươn, chết. Ngoài ra, người dân không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì có thể chúng đã sống trong vùng ô nhiễm. Một lưu ý nữa là khi chế biến cá biển cần làm sạch ngay khi còn tươi. Quan sát mắt cá có thể phân biệt cá ươn, cá tươi. Mắt cá tươi hơi lồi, giác mạc trong suốt, đồng tử đen, sáng. Mắt cá ươn phẳng hoặc lõm, giác mạc đục, đồng tử mờ đục. Nếu cá bị nhiễm độc nặng thì mắt có thể lồi hẳn ra ngoài. Đặc biệt, không ăn phần ruột cá vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn và có thể gây ngộ độc. Mặt khác, người dân cần chế biến sạch và nấu chín kỹ, nhất là các loại hải sản để đông lạnh phải rã đông đúng cách. Sau khi rã đông nên chế biến ngay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.