(HNM) - Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng kẻ gian mua lại thẻ tín dụng quốc tế, thực hiện hành vi gian lận, ăn cắp mã số tài khoản của khách hàng để chiếm dụng.
Để tránh tình trạng rủi ro, người dân cần cảnh giác khi sử dụng dịch vụ ngân hàng tự động. Ảnh: Trần Hải |
Một trong những hành vi gian lận trong việc sử dụng thẻ mà kẻ gian thường sử dụng là cài đặt máy camera siêu nhỏ tại máy rút tiền tự động, từ đó biết được số thẻ, mã số mở thẻ của khách hàng. Sau khi có trong tay những thông tin về tài khoản thẻ, kẻ gian sẽ sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, tức là dùng máy tính hay điện thoại để thực hiện các hành vi rút tiền từ tài khoản của khách hàng cá nhân. Những hành vi này dần được ngăn chặn bằng việc ngân hàng thường xuyên cử bảo vệ hoặc lắp đặt máy theo dõi tại máy ATM để phát hiện kẻ gian.
Gần đây, thủ đoạn gian lận mới trong việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế đã xuất hiện. Thực tế là mấy năm gần đây, để phát triển khách hàng, giữa các ngân hàng đã có cuộc chạy đua về số lượng thẻ phát hành, đặc biệt là thẻ tín dụng quốc tế. Một số ngân hàng còn nới điều kiện mở thẻ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng như miễn phí đăng ký phát hành, không cần lấy bảng lương nơi làm việc… Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng cá nhân "ồ ạt" làm thẻ tín dụng quốc tế và theo nó là hệ lụy không đáng có. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan công an đã phát hiện một số đối tượng dùng thủ đoạn dụ dỗ nhiều người dân làm thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam, sau đó mua lại và mang ra nước ngoài sử dụng vào mục đích lừa đảo, rút tiền mặt tại nước ngoài hoặc chuyển tiền từ tài khoản của người bị hại. Người bị hại thường là những người bị kẻ gian tống tiền bằng cách tung tin bắt cóc người thân, rồi yêu cầu gửi tiền vào số tài khoản mà chúng đã mua lại của người đã có thẻ thanh toán quốc tế. Chúng mang thẻ ra nước ngoài để rút tiền từ máy rút tiền tự động. Với hình thức này, kẻ gian vừa có thể giấu được tung tích bản thân, mà vẫn có được những khoản tiền lớn.
Để ngăn ngừa hành vi này, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán kiểm soát chặt chẽ quy trình mở và sử dụng tài khoản, quy trình phát hành thẻ (đặc biệt là thẻ thanh toán quốc tế); tăng cường thực hiện chính sách nhận biết khách hàng, thường xuyên rà soát các giao dịch của thẻ mới mà hoạt động ở nước ngoài sau khi nhận tiền ở Việt Nam và rút hết ngay ở nước ngoài. Khi phát hiện thông tin nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp làm rõ. NHNN cũng yêu cầu các đơn vị phổ biến, thông báo đến từng nhân viên, đặc biệt là nhân viên giao dịch, khách hàng đến mở tài khoản, phát hành thẻ, về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để qua công tác nghiệp vụ có thể phòng ngừa, phát hiện kịp thời các dấu hiệu tội phạm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này không chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng hay ngân hàng, mà trước hết người dân cần phải cảnh giác, không bán tài khoản thẻ mang tên mình cho các đối tượng khác. Chủ thẻ không nên vì một khoản lợi nhuận nhỏ mà có thể gây nguy hiểm cho những người khác, cũng như gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.