Xã hội

Tranh luận về việc Tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ?

Đình Hiệp 22/11/2023 - 18:42

Nhiều đại biểu tranh luận về việc Tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, bởi người dân không có hiểu biết sâu. Do vậy, cần thiết quy định Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.

toan-canh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận chiều 22-11.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, chiều 22-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phân tích vì sao đặt vấn đề Tòa án nhân dân thực hiện thu thập chứng cứ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật, trong hệ dân luật, Tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ.

truong-trong-nghia.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là Tòa án nhân dân; điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu khoán cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.

Đại biểu cho rằng, Tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ nhưng mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi cho mình. Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án.

nguyen-huu-chinh.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho biết, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24-11-2014. Tuy nhiên, gần 10 năm cùng với sự thay đổi của đất nước, nhiều quy định không còn phù hợp. Quan tâm tới việc thu thập chứng cứ, đại biểu nhận thấy quy định tại dự thảo là nội dung hoàn toàn mới so với Luật hiện hành. Lý giải việc nhất trí với quy định này, đại biểu cho biết, việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.

Bên cạnh đó, Tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình chung đã làm thay cho việc đương sự khiến họ trông chờ vào tòa án, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã đề cao vai trò bên nhân sự trong việc chứng minh sự việc. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự vẫn đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ.

dai-bieu-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận chiều 22-11.

Như vậy, dự thảo Luật, đương sự còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo luật hiện hành và thực tiễn hiện nay có một số trường hợp khi Tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung Tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.

Phát biểu tranh luận về vấn đề thu thập chứng cứ, đại biểu Lê Thanh Phong (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, hiện nay chưa có văn bản là chính thức xác định mô hình tố tụng theo dân luật hay thông luật, mà trong quá trình nghiên cứu đổi mới theo xu thế hệ quốc tế chúng ta áp dụng những tinh hoa, những vấn đề có lợi và những vấn đề phù hợp với thực tiễn của mình.

le-thanh-phong.jpg
Đại biểu Lê Thanh Phong (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Do đó, Nghị quyết 49 của Quốc hội trong việc cải cách tư pháp cũng khẳng định rõ xét xử và nâng cao tính tranh tụng và lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa là cơ sở để phán quyết tiếp. Sau đó, Kết luận số 84 ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị cũng khẳng định tiếp tục cải cách theo hướng tranh tụng. Và gần đây Nghị quyết 27 cũng đã khẳng định tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Lê Thanh Phong thấy rằng, việc hướng tới nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa người dân cần phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là một sự đổi mới căn cơ cần mạnh dạn áp dụng.

dai-bieu.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận chiều 22-11.

Theo đại biểu Lê Thanh Phong, đây không phải là việc đẩy khó cho người dân, mà đây là một cơ chế tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực thế, trong quá trình xét xử, Tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên đương sự cung cấp, lời bào chữa của luật sư… Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của thẩm phán, hội đồng xét xử và không thể nhầm lẫn là tòa thu thập chứng cứ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận các ý kiến của các đại biểu Quốc hội với nhiều ý kiến nghiên cứu sâu và nhiều ý kiến gợi mở để Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa, đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến góp ý.

Về việc thu thập chứng cứ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, điều nhân dân chờ đợi là phán quyết công tâm, khách quan, công bằng chứ không phải là chờ đợi việc thu thập chứng cứ xong xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ các chứng cứ của các bên khác.

nguyen-hoa-binh(1).jpg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết sẽ chỉnh lý quy định theo hướng khi có yêu cầu của người dân, cả bên nguyên và bên bị khi không thể thu thập chứng cứ thì Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan Nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án thì sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành.

nguyen-khac-dinh(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã có 31 đại biểu phát biểu ý kiến, trong đó có 14 đại biểu tranh luận. Trong danh sách có 51 đại biểu đăng ký phát biểu và 1 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu gửi văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao để tổng hợp và tiếp thu, giải trình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh luận về việc Tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.