Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh giả đã trở thành vấn nạn?

An Nhi| 21/07/2016 06:57

(HNM) - Sau 10 ngày triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh gây chấn động giới mỹ thuật vì nghi ngờ tính nguyên gốc và chất lượng tác phẩm. Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã có kết luận từ Hội đồng thẩm định hôm 19-7, rằng 15/17 bức tranh không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. Đây chỉ là một sự việc cụ thể được phát hiện ở Việt Nam, dường như chuyện làm tranh giả đã trở thành vấn nạn với quy mô xuyên quốc gia.

Khách đến xem triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.Ảnh: Hữu Khoa


Bộ sưu tập này theo giải trình của ông Vũ Xuân Chung là được mua từ ông Jean-Francois Hubert, một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và Châu Á của Hãng Đấu giá Christie’s (Hồng Kông). Bộ sưu tập gồm 17 bức tranh của các danh họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ…

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân khẳng định với báo giới: “Chỉ cần nhìn ảnh chụp lại, không cần xem trực tiếp hay thẩm định cũng đã thấy đây hầu hết là tranh giả, vì nhiều bức đường nét thô vụng, tỷ lệ không hợp lý, khó có thể là của các danh họa kia”. Kể từ khi 17 bức tranh này được triển lãm và công khai trên các phương tiện truyền thông, rất nhiều người trong giới mỹ thuật đã cùng lên tiếng như vậy.

Nhiều thông tin được đưa ra, như bức sơn mài “Vườn chuối” còn có trong sở hữu của Công ty Tàu biển Hải Phòng, bức sơn mài “Ba cô gái” thấy tương tự ở bức “Mùa xuân và thiếu nữ” thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Minh, bức “Múa vòng” cũng có trong bộ sưu tập của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm… Và đỉnh điểm là khi họa sĩ Thành Chương lên tiếng, rằng bức tranh “Trừu tượng” được ký tên Tạ Tỵ là do ông vẽ với nhiều chứng cứ về thời điểm, bản phác thảo, cả nhân vật trong tác phẩm cũng đã lên tiếng xác nhận. Liên quan đến việc làm tranh giả hay tranh “sinh đôi”, “sinh ba”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến chia sẻ: “Có trường hợp tranh là của chính tác giả vẽ hai bức giống nhau khi được đặt hàng, hoặc nhờ người khác vẽ lại khi được đồng ý, nhưng đều ghi rõ là bản thứ hai, thứ ba hoặc ai vẽ lại. Không có chuyện chỉ đề tên, năm vẽ mà đến mấy bức giống hệt”.

Bức tranh “Nét duyên dáng” tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” được giới thiệu là của họa sĩ Dương Bích Liên.Ảnh: Hữu Khoa


Trước những nghi vấn trên, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh buộc phải họp bàn, thẩm định lại và đưa ra kết luận, cụ thể như sau: 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; 2 bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký của tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc); Tạm giữ tất cả 17 bức tranh để phục vụ công tác điều tra. Đây là sự thống nhất của 10 nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật uy tín của Việt Nam sau khi thẩm định kỹ các tác phẩm.

Đối với giới mỹ thuật, sự việc lần này là dịp lên tiếng mạnh mẽ về vấn nạn làm giả tranh của các danh họa Việt Nam để trục lợi. Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) Vi Kiến Thành: “Nạn tranh chép, tranh làm giả, tranh “sinh đôi”, “sinh ba” của các tác giả Việt Nam, nhất là của những người nổi tiếng, diễn ra từ nhiều năm nay, gây bức xúc trong giới họa sĩ và làm giảm uy tín của nghệ thuật nước ta trên trường quốc tế”. Ông Vi Kiến Thành cũng thừa nhận rằng rất khó “bắt” được như trường hợp lần này, bởi việc làm giả tranh không chỉ đơn thuần diễn ra ở trong nước, mà là xuyên quốc gia, thậm chí có một “thế giới ngầm” chuyên tổ chức làm tranh giả mà nếu chỉ ngành Văn hóa thì không thể kiểm soát được.

Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng đã chính thức gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm diễn ra khi các thông tin chưa đủ tính xác thực. Từ đây cũng lộ ra lỗ hổng về công tác thẩm định, xét duyệt tác phẩm trước khi đưa ra triển lãm của cơ quan quản lý. Nếu làm tốt công việc xét duyệt, cấp phép triển lãm thì tranh giả khó có cơ hội được “lăng xê”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh giả đã trở thành vấn nạn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.