Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh Đông Hồ sáng bừng trong kinh tế thị trường

ANHTHU| 11/11/2007 09:32

(HNM) - Nhắc đến tranh Đông Hồ ai cũng nhớ tới câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm trong bài “Bên kia sông Đuống”: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong - Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

(HNM) - Nhắc đến tranh Đông Hồ ai cũng nhớ tới câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm trong bài “Bên kia sông Đuống”: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong - Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

 Đúng là tranh Đông Hồ mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Theo gia phả của dòng họ hiện còn làm nghề thì tranh Đông Hồ có ít nhất đã hơn 500 năm. Nửa cuối thế kỷ XX, nghề làm tranh Đông Hồ bị xuống dốc một cách thảm hại, tiến sát đến bên bờ thất truyền. Cả làng Đông Hồ buồn bã chuyển nghề, khuôn in bỏ xó. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình ông Nguyễn Đăng Chế tìm lại những khuôn in cổ từ xưa, mò mẫm tìm hướng đi cho nghề cũ. Chỉ hơn 10 năm sau, tranh Đông Hồ không những được khôi phục mà còn phát triển mạnh, bừng sáng trong nền kinh tế thị trường.

Nghề xưa truyền lại

Tại nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, trong cuốn gia phả của dòng họ còn ghi lại thì dòng họ nhà ông bắt đầu làm tranh Đông Hồ cách đây đã hơn 500 năm. Và khả năng tranh Đông Hồ còn có lịch sử lâu đời hơn thế. Tranh Đông Hồ chỉ sản xuất duy nhất tại làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nên vì thế có tên là tranh Đông Hồ để phân biệt với tranh các nơi khác. Về phong cách và chất liệu, tranh Đông Hồ cũng có những bản sắc riêng như in bằng bản khắc gỗ từng màu trên giấy dó, giấy điệp. Nội dung xoay quanh các chủ đề chúc tụng, tranh thờ, lịch sử và tranh sinh hoạt. Làm tranh Đông Hồ đơn giản chủ yếu nhất vẫn là bản khắc gỗ ban đầu.

Tranh Đông Hồ được in từng màu làm từ thiên nhiên với 4 màu cơ bản: Màu xanh được làm từ lá chàm, rỉ đồng; màu đỏ từ đá son; màu đen từ than lá tre và màu vàng từ hoa hòe. Người thợ in dần từng màu lên giấy dó, màu đen in nét nên in cuối cùng. Vì khuôn tranh cố định nên khuôn khổ của tranh Đông Hồ không thay đổi được. Thêm nữa, thời gian trước đây thợ làm giấy không làm được khổ to. Khi in những bức tranh khổ to, thợ in thường phải nối giấy nên tranh không được đẹp lắm. Các gia đình in tranh thường mua giấy dó thường và giấy dó điệp.

Chất liệu làm nên tranh Đông Hồ khá quan trọng chính là giấy dó. Vỏ cây dó được ngâm trong nước lã, rồi đến nước vôi, sau đó lại phải luộc từ 15 đến 20 giờ đồng hồ. Rũ bỏ vôi, người ta lại ngâm thêm 10 ngày nữa rồi cho vào cối giã từ 3 đến 5 giờ thành bột. Bột dó được nắm chặt và rửa sạch thêm một lần nữa. Tiếp theo là hòa bột vào một bồn nước có pha nhựa cây mò để ngăn không cho các tờ giấy bị dính vào nhau. Người thợ giấy dùng một cái khay gọi là Liềm seo dìm vào trong bể để làm từng tờ giấy một. Giấy được xếp thành chồng dày, nén kiệt nước sau đó đem phơi khô. Có được tờ giấy dó, dân làm giấy lại lấy vỏ điệp, một loại sò ở biển, đem giã vụn thành bột. Bột điệp được đem trộn với hồ nấu bằng gạo nếp. Thứ keo này được phết lên giấy dó bằng chổi lá thông thành giấy điệp.

Tranh Đông Hồ bừng sáng trong kinh tế thị trường

Trước năm 1945, cả làng Đông Hồ có khoảng 250 gia đình làm tranh. Suốt năm, suốt tháng cả làng in tranh chỉ để bán trong 5 phiên chợ vào ngày mùng 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp. Tranh chỉ bán trong có năm ngày đó phục vụ cho dân đồng bằng Bắc bộ mua tranh treo Tết. Dòng tranh Tết dân gian đậm đà, mộc mạc chân quê này là cả một kho tàng miêu tả các hoạt động thường ngày trong đời sống xã hội nông thôn. Tranh biểu tượng cho điềm lành như bé trai ôm gà tượng trưng cho vinh hoa phú quý, các tích cổ như hái dừa, đánh ghen đến các bức tranh tứ bình, truyện Kiều, Thạch Sanh...

Những năm xưa đó, người dân đồng bằng Bắc bộ chỉ mua tranh vào dịp Tết Nguyên đán, tết Trung thu. Người chơi tranh lấy chính bánh trưng làm hồ dán tranh lên vách, lên cổng, cửa nhà cầu tài, cầu lộc, xua đuổi tà ma và cả cho vui cửa, vui nhà. Chỉ treo trong dịp Tết hoặc cứ để như vậy, sang năm đến phiên chợ lại mua tranh khác về treo. Nghề in tranh Đông Hồ vì thế mà duy trì thành một làng nghề lâu đời cho đến tận năm 1946 bắt đầu có những dấu hiệu thoái trào.

Những năm nửa cuối thế kỷ XX, nghề tranh Đông Hồ bị mai một thảm hại. Nhiều gia đình bỏ nghề tranh xoay sang nghề khác. Khuôn in bị bỏ xó, mốc meo, mọt đục rồi thất lạc. Một số lượng khuôn in rơi vào tay những người nước ngoài ưa của lạ mua về để sưu tầm. Nhiều nghệ nhân buồn bã nhìn nghề truyền thống chết dần một cách tuyệt vọng. Nhiều bộ phim, bài báo lên tiếng về nghề tranh. Trẻ con sinh trong những năm đó chả biết tranh Đông Hồ như thế nào cả !Cả làng Đông Hồ xao xác tìm nghề mới. nhưng thật may !

Năm 1991, ông Nguyễn Đăng Chế về hưu, rời Hà Nội trở về quê làng Đông Hồ. Trăn trở với nghề truyền thống, ông quyết định tìm hướng khôi phục lại nghề in tranh. Ông tìm lại các khuôn in cổ, đặt giấy dó theo yêu cầu khổ giấy và độ dày. Với tấm bằng nghệ nhân, ông khôi phục lại toàn bộ cách in tranh Đông Hồ truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn tìm lại được 26 bộ khuôn in cổ đã hơn 200 năm tuổi. Sáng tạo trong thời mới, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tìm đến làng Đống Cao, xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đặt làm riêng giấy theo yêu cầu của mình. Những bức tranh Đông Hồ thể loại tứ bình của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có khổ rộng 60 x 80 cm. Tranh in trên giấy dó, nhưng lấy điệp phết ra mép tạo thành phần bo tranh óng ánh sắc điệp khá độc đáo khiến cho bức tranh đẹp hơn rất nhiều. Hàng loạt các khuôn cổ được ông phục chế cho in lại các tích cổ truyện Kiều, Thạch Sanh, câu đối...

Cho đến nay, sau 17 năm khôi phục, hiện gia đình nghệ nhân này đang có 3 thế hệ với gần 15 người cùng làm nghề và thực sự sống được bằng tranh Đông Hồ. Điều may mắn nhất đối với ông là gia đình ông hiện trở thành điểm tham quan của khách du lịch khi đến Bắc Ninh. Chính nhờ vậy mà mỗi năm gia đình ông sản xuất tới hàng triệu bức tranh Đông Hồ và khách du lịch lại mang nó đi khắp thế giới. Hiện tại, cả làng Đông Hồ chỉ còn hai gia đình sản xuất tranh Đông Hồ là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Tuy nhiên, nghề tranh Đông Hồ lại đang phục hồi mạnh mẽ trong tay hai nghệ nhân này.

Lê Hồng Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh Đông Hồ sáng bừng trong kinh tế thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.