Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh ''dịch chồng dịch'' khi thời tiết giao mùa

Thu Trang| 04/10/2021 06:16

(HNM) - Thời tiết đang trải qua giai đoạn giao mùa, mưa nắng đan xen là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây bệnh sinh sôi và phát triển. Người cao tuổi và trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch kém, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi này, nên rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân cần tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh hay gặp khi chuyển mùa, tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Thăm khám cho trẻ bị viêm da cơ địa tại Khoa Da liễu (Bệnh viện Nhi trung ương). Ảnh: Khánh Chi

Cảnh giác 12 bệnh thường gặp

Theo Bộ Y tế, có 12 bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa thu - đông, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm da, sởi, viêm não, cúm, hen suyễn, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, quai bị, sốt phát ban, tiêu chảy. Trong các bệnh này, sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến ngày 19-9, cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại 9 tỉnh, thành phố phía Nam. Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến ngày 26-9 đã ghi nhận 1.031 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã, chưa có ca tử vong.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 9 đến nay. Cụ thể, tính từ ngày 10-9 đến sáng 28-9 đã có hơn 100 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện. Riêng tại Khoa Vi rút - Ký sinh trùng của bệnh viện, thời điểm này, trung bình có khoảng 10 bệnh nhân/ngày. Ngay trong đêm 30-9, khoa đã tiếp nhận cùng lúc 17 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay có xu hướng gia tăng ở người cao tuổi. Người già mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh mạn tính có sẵn cần phải được chăm sóc và theo dõi sát. Bởi, chỉ 1-2 ngày, bệnh nhân có thể chuyển nặng.

Tương tự, trong tháng 8 và tháng 9, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận gần 70 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có những trẻ mới chỉ 5-6 ngày tuổi. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc sốt xuất huyết, sau đó bị muỗi đốt và chính con muỗi đó lại đốt, lây bệnh sang cho trẻ.

Ngoài ra, thời gian gần đây, trẻ đến khám và điều trị bệnh viêm da cơ địa tại Khoa Da liễu (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng có xu hướng gia tăng. Bệnh này xuất hiện quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào thời điểm chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, hanh khô. Cách đây 3 tuần, bé trai T.P (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị nổi mảng rát đỏ, khô sần trên da, ngứa toàn thân. Do e ngại dịch Covid-19, nên gia đình tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không giảm, trẻ ngứa ngáy khó chịu, ngủ không ngon, ăn kém. Sau đó, gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi trung ương…

Cùng với sốt xuất huyết, viêm da, trung bình một đứa trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh viêm đường hô hấp 4-6 lần/năm, nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội) cho biết, nhiều bố mẹ chủ quan cho rằng, các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi… ở trẻ chỉ là triệu chứng bệnh thông thường nên điều trị tại nhà. Thế nhưng, hơn 25% các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tiến triển sang viêm phổi và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Cán bộ y tế của Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tuyên truyền các biện pháp phòng sốt xuất huyết cho người cao tuổi trên địa bàn. Ảnh: Xuân Lộc

“5 nguyên tắc vàng” để phòng bệnh

Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương khuyến cáo, các ông bố, bà mẹ cần nắm vững “5 nguyên tắc vàng”. Đó là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch; bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ; giữ vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân; tăng cường cho trẻ vận động, tập luyện thể dục, thể thao; khi trẻ có những dấu hiệu bệnh, cần đến cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý mua thuốc, điều trị tại nhà, vì có thể khiến bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, để chủ động công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, sàng lọc, có tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh, bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm chéo Covid-19. Các cơ sở y tế cần tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời nếu có diễn biến nặng lên.

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, một trong những biện pháp phòng bệnh quan trọng đối với người cao tuổi là tăng cường chế độ dinh dưỡng, trong đó ăn uống cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều rau, hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Cùng với đó, mỗi người cần tuân thủ nguyên tắc “5K”, không chỉ giúp phòng, chống dịch Covid-19 mà còn phòng nhiều bệnh khác.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh ''dịch chồng dịch'' khi thời tiết giao mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.