(HNMCT) - Trong những ngày gần đây, có ba sự kiện liên quan tới bóng đá được nhiều người chú ý. Đó là lễ trao giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2022, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam công bố danh tính huấn luyện viên trưởng mới của đội tuyển bóng đá nam quốc gia - thay ông Park Hang-seo, và sự kiện đội tuyển bóng đá nam U20 dự vòng chung kết giải bóng đá U20 châu Á năm 2023. Ở 2/3 sự kiện này, chúng ta được chứng kiến tên tuổi những cá nhân nổi bật của bóng đá Việt Nam trong năm vừa qua cũng như thành tích thi đấu của các cầu thủ trẻ tại một giải đấu có ý nghĩa quyết định đến tấm vé dự vòng chung kết giải bóng đá U20 thế giới tới đây.
Trong số những ngôi sao bóng đá nam và nữ được truyền thông “điểm danh” ở các sự kiện nói trên, có hai nhân vật đáng chú ý: Khuất Văn Khang, tuyển thủ U20 đang thi đấu tại Uzbekistan trong khuôn khổ giải bóng đá U20 châu á, được trao giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2022; Huỳnh Như, tiền đạo của đội tuyển quốc gia, hiện đang thi đấu khá thành công tại Lank FC (Bồ Đào Nha), được trao giải Quả bóng vàng 2022 dành cho nữ. Với nhiều người, Khuất Văn Khang và Huỳnh Như được chú ý không chỉ bởi tài năng mà họ đã thể hiện, mà còn bởi đây là hai ngôi sao “may mắn” chưa được truyền thông, mạng xã hội “chăm bẵm” một cách “điên cuồng” như đã thấy với Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Công Phượng... khi những cầu thủ này còn trẻ hoặc khi họ ra nước ngoài thi đấu. Nói một cách khác, đó là những người “mới nổi” hoặc là cầu thủ nữ, chưa phải chịu quá nhiều áp lực từ “dao hai lưỡi” - truyền thông.
Nói vậy không phải là quá lời, bởi ngay cả những huấn luyện viên hàng đầu đủ bản lĩnh trận mạc cũng thấm thía ảnh hưởng của truyền thông đối với sự trưởng thành của những ngôi sao trẻ cũng như khả năng duy trì tính chuyên nghiệp của những ngôi sao đã trưởng thành. Tại Uzbekistan trong những ngày đầu tháng 3 này, huấn luyện viên trưởng của đội tuyển U20 Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn đã giữ đôi chân của các cầu thủ trên mặt đất bằng cách thu điện thoại của học trò, giúp họ tránh xa những lời tán dương “thô không thể tả” trên mạng xã hội, nhất là YouTube. Ông không muốn những Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt... một bước lên mây, người hâm mộ cũng không muốn thấy “vết xe đổ” của những Văn Quyến, Quốc Vượng... năm xưa hiện về.
Bóng đá là môn thể thao có tính nghệ thuật và giải trí, các cầu thủ giỏi là ngôi sao thực sự trong lĩnh vực này, có sức hút không kém gì hoa hậu, người mẫu, diễn viên hàng đầu, trên thế giới cũng vậy mà ở Việt Nam cũng thế. Ở đâu cũng có chuyện cầu thủ trẻ xuất sắc “bỗng dưng mất hút”, hoặc sa sút không phanh và rời xa sân cỏ. Cũng có người trụ lại được, nhưng không còn là chính mình ở độ tuổi nghề nghiệp “chín” nhất, như chúng ta thấp thoáng thấy điều đó ở một số trong lứa cầu thủ khóa I Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, cũng như trong đội hình chính từng tham dự giải vô địch bóng đá U20 thế giới cách nay hơn 5 năm và “những ngôi sao Thường Châu” năm 2018...
Những người nổi tiếng thường phải chịu sức ép dư luận khi bị “soi” kỹ càng, càng là người quan tâm tới mạng xã hội thì càng dễ bị chi phối bởi nội dung mang tính tiêu cực, những lời khen quá đà, “nổ tưng bừng” hoặc chê như tạt nước vào mặt, bất kể chừng mực, đúng sai. Người trẻ bản lĩnh kém thì dễ ngộ nhận khi được khen, từ đó mất đi tính chuyên nghiệp, sa vào những cuộc chơi “chân dài và sao bóng đá”, tiệc tùng thay vì chuyên tâm rèn luyện.
Đội tuyển bóng đá U20 Việt Nam thi đấu không tệ tại giải vô địch U20 châu Á 2023. Lứa cầu thủ trẻ này cho phép chúng ta tiếp tục hy vọng vào tương lai của bóng đá Việt Nam, nhưng cũng đặt ra bài toán giữ đôi chân của họ luôn vững vàng trên mặt đất. Để có được điều đó, mỗi ngôi sao trẻ ngoài việc rèn luyện chăm chỉ thì còn cần biết cách “giữ cự ly” thích hợp với giới truyền thông, tránh càng xa càng tốt những clip với nội dung không khác gì “khen cho chết” vốn nhan nhản trên YouTube.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.