(HNM) - Tròn một thế kỷ kể từ khi Tuyên bố Balfour được ký kết và khởi đầu một trong những xung đột dai dẳng nhất tại Trung Đông, tranh cãi xung quanh lá thư dài 67 từ này vẫn chưa chấm dứt.
Ngày 2-11-1917, Ngoại trưởng Anh lúc đó là Arthur James Balfour đã gửi bức thư còn được biết đến với tên gọi Tuyên bố Balfour cho Đại diện cộng đồng người Do Thái tại Anh Lord Walter Rotshild. Trong bức thư, Chính phủ Anh tuyên bố ủng hộ ước vọng của người Do Thái về việc tạo dựng một “ngôi nhà dân tộc” trên vùng đất của người Palestine và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu này. Tuyên bố cũng lập luận rằng, người Arab đã có một số quốc gia với diện tích hàng triệu kilômét vuông, trong khi người Do Thái lại không có quê hương.
Tuyên bố này sau đó đã dẫn đến việc hình thành nhà nước Israel năm 1948 khi người Anh chấm dứt sứ mệnh ủy trị và rút khỏi Palestine, dấu mốc quan trọng trong việc bùng nổ cuộc xung đột kéo dài suốt hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi ra Tuyên bố Balfour năm 1917, Anh vẫn chưa có quyền gì tại Palestine mà phải chờ đến 2 năm sau đó, Hội nghị hòa bình Versailles của phe đồng minh mới trao cho Anh quyền ủy trị vùng đất Palestine.
Nhắc lại sự kiện này, Thủ tướng Palestine Rami al-Hamdallah ngày 29-10 đã chỉ trích Tuyên bố Balfour là một “sai lầm của lịch sử” và yêu cầu Chính phủ Anh phải công khai xin lỗi người Palestine. Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May cho biết, nước Anh tự hào về vai trò trong việc thành lập nhà nước Israel và sẽ kỷ niệm 100 năm Tuyên bố Balfour. Tuy nhiên, nữ chính trị gia này cho biết bà ý thức được tính nhạy cảm của một số cá nhân đối với bản tuyên bố và thừa nhận "vẫn còn nhiều việc phải làm".
Hồi tháng 7, chính quyền Palestine đã công bố kế hoạch khởi kiện Vương quốc Anh về Tuyên bố Balfour lên Tòa án quốc tế và kêu gọi Liên đoàn Arab ủng hộ quyết định này. Phát biểu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cáo buộc Anh hỗ trợ các tội ác của Israel và cho rằng nước này là một bên phải chịu trách nhiệm về thảm họa Nakba khiến 750.000 người Palestine phải tị nạn sau cuộc chiếm đóng của Israel.
Tuyên bố có đoạn: “Một thế kỷ kể từ Tuyên bố Balfour năm 1917, hàng trăm nghìn người Do Thái ở Châu Âu và khắp nơi được đưa về Palestine, trong khi những người Palestine có cha mẹ tổ tiên ở đây hàng nghìn năm lại mất đi đất đai của mình”.
Một thế kỷ sau Tuyên bố Balfour được xem là mầm mống cho cuộc chiếm đóng của Israel tại Palestine và gần 7 thập kỷ sau khi đất nước Israel được thành lập trên vùng đất Palestine lịch sử, người Palestine vẫn từng ngày đấu tranh cho quyền được có một quốc gia độc lập trên chính mảnh đất quê hương mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.