(HNM) - Bảo đảm sự độc lập của hệ thống trại tạm giữ, tạm giam với cơ quan điều tra là yêu cầu được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam, ngày 9-11.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Minh Hiền phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Theo Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh), chỉ khi giao Bộ Tư pháp quản lý hệ thống trại tạm giữ, tạm giam mới có cơ sở hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình, giảm lạm quyền trong tiếp xúc, hỏi cung và những mâu thuẫn trong quản lý.
Chống bức cung, nhục hình
Dẫn chứng qua kết quả giám sát oan sai tháng 6-2015, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự, yêu cầu Bộ Công an không để xảy ra chết người do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại các cơ sở giam giữ; đồng thời làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và người đứng đầu cơ sở. Thế nhưng, tình trạng bị bức cung, mớm cung, nhục hình đang có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh), có nhiều nguyên nhân dẫn đến câu chuyện trên. Ngoài năng lực quản lý, còn do cơ chế phối hợp giữa các bộ phận liên quan chưa chặt chẽ. ĐB Trương Trọng Nghĩa kiến nghị giao cho Bộ Tư pháp quản lý hệ thống trại tạm giữ, tạm giam để bảo đảm tính độc lập với cơ quan điều tra, công tố, đồng thời cũng là "kênh" giám sát chống bức cung, nhục hình.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng), Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa), Huỳnh Văn Tính (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, trước hết cần tách tạm giữ, tạm giam ra khỏi cơ quan công an cùng cấp phụ trách. Song chỉ cần tổ chức lại theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương là có thể đạt mục tiêu bảo đảm tính độc lập, thống nhất về tổ chức. Quy định như vậy tránh tình trạng cơ quan điều tra, cơ quan phụ trách nhà tạm giữ, trại tạm giam cấp huyện cùng một đầu mối chỉ huy, dễ dẫn tới việc sai sót, lạm quyền trong tiếp xúc hỏi cung, đồng thời hạn chế được oan, sai do bức cung, nhục hình gây ra.
Về việc khi Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, một số cơ quan như kiểm lâm, kiểm ngư… cũng được quyền tạm giữ, tạm giam thì vấn đề đặt ra là tạm giữ, tạm giam ở đâu, liệu có bảo đảm được quyền của các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam hay không? ĐB Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị tính kỹ phương án thực hiện. Theo ĐB Lê Nam, dù thực hiện cách nào cũng không nên sử dụng chung cơ sở tạm giữ để tạm giam, trừ một số trường hợp rất đặc biệt và phải quy định trong luật. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bức cung, nhục hình chỉ chiếm số lượng nhỏ nhưng để lại hậu quả lớn. Tất cả những hệ lụy này sẽ được phòng tránh tốt hơn nếu chú trọng quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội; giam riêng đối tượng tâm thần, manh động.
Thay đổi cách giam giữ
So sánh với quy định hiện hành, ĐB Đặng Đình Luyến (Đoàn Khánh Hòa) lưu ý, thời hạn để thực hiện khiếu nại, tố cáo cũng như thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo ngắn hơn. Trong khi đó, người đang bị tạm giữ, tạm giam đi lại bị hạn chế, việc chứng minh nội dung khiếu nại, tố cáo cũng không dễ dàng. Vì vậy, cần quy định thời gian đủ để người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện được quyền chính đáng của mình.
Ở góc nhìn khác, ĐB Lê Minh Hiền (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị, ban soạn thảo dự luật tách riêng quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ và quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giam vì đây là hai đối tượng khác nhau. Luật cần quy định không giam chung những đối tượng này với đối tượng đã bị kết án tù, án chung thân, tử hình dù bản án chưa có hiệu lực hay đang chờ thi hành án…
Cũng theo ĐB Lê Minh Hiền, luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi còn thiếu quy định minh oan cho người đã chết trong giai đoạn điều tra, truy tố. Vì vậy, khi người bị buộc tội đã chết do bị bệnh, do tự sát, cơ quan chức năng chỉ đình chỉ vụ án mà không tiếp tục điều tra để kết luận người bị buộc tội đó có bị oan hay không để giải quyết bồi thường oan sai. "Minh oan cho người bị oan khi đang giam giữ đã khó thì minh oan cho người chết còn khó hơn nhiều. Tuy vậy, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp. Pháp luật tố tụng hình sự cần có những quy định giải oan cho người bị buộc tội oan đã mất, phần nào vơi đi đau khổ cho thân nhân của họ" - ĐB Lê Minh Hiền kiến nghị.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh) nhìn nhận, những người bị tạm giữ, tạm giam chưa mất quyền công dân nên cần đối xử nhân đạo và giám sát việc thực hiện chặt chẽ. Đồng thời, đề nghị có chế độ riêng đối với đối tượng bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai, người nuôi con dưới 36 tháng tuổi…
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định): Tạo điều kiện cho người tạm giam gặp luật sư Tôi có trong tay Báo cáo của Bộ Công an, thể hiện: Chỗ tạm giam mới có 10.316 chỗ so với nhu cầu là 46.880 chỗ, thiếu tới 36.564 chỗ. Vì thế, chúng ta phải thực hiện việc tạm giữ, tạm giam trong những điều kiện chưa tốt. Ví dụ, các đối tượng thì phải đưa riêng ra, các cháu vị thành niên phải đưa riêng ra, nhưng cuối cùng không có chỗ nên phải đưa vào các buồng giam mà ở đấy không may có một vài "đại bàng" dẫn đến sốc tâm lý, lo sợ và những hệ quả đáng tiếc. Trong dự thảo luật, chúng ta đã có rất nhiều quy định để cố gắng khắc phục tình trạng này, nhưng chưa đủ. Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định một cách thông thoáng hơn những điều kiện, chế độ đối với người tạm giữ, tạm giam để có thể hạn chế hiện tượng tự sát trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Tôi nhất trí ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh), nên tạo điều kiện để cho người tạm giữ, tạm giam được gặp người thân và gặp luật sư thuận lợi hơn, với thời gian nhiều hơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.