(HNNN) - Úng ngập cục bộ là bất khả kháng trong bối cảnh thời tiết cực đoan và hệ thống tiêu thoát chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề đặt ra là mỗi người cần trang bị kỹ năng, kiến thức tối thiểu để có thể “sống chung” an toàn, giảm tối đa thiệt hại do úng ngập cục bộ gây ra.
“Dò đá qua sông”
Một trong những vấn đề khiến nhiều người đau đầu nhất là làm thế nào để vượt qua vùng ngập úng cục bộ an toàn để đến nơi làm việc hoặc về nhà sớm nhất có thể. Trên thực tế, không ít người đã có vô số trải nghiệm trong các đợt mưa to, úng ngập, nhưng vẫn liên tục “mắc lỗi” khiến xe chết máy, phải dắt bộ hoặc thuê kéo về gara sửa chữa, gây lãng phí tiền bạc, công sức. Để tránh nguy cơ phải lội nước dắt xe máy hay nhìn ô tô nằm trong “bể nước”, nhiều “phượt thủ” có kinh nghiệm cho rằng, nếu không thông thạo địa hình khu vực thì tốt nhất nên xuống xe quan sát, đánh giá kỹ lưỡng vùng ngập. Nếu cần thì lội nước kiểm tra mức độ ngập trước khi quyết định điều khiển phương tiện đi qua. Đây là điều mà rất nhiều người chủ quan bỏ qua, điều khiển xe lao thẳng qua vùng ngập nước để rồi nhận “cái kết đắng”. Anh Nguyễn Cẩm Văn, một người có kinh nghiệm “phượt” cho biết, việc dò đường không chỉ giúp kiểm tra độ nông, sâu của nước, mà còn để xem dưới vũng nước liệu có vật cản có thể khiến người điều khiển xe máy bị ngã hay làm hỏng máy móc phương tiện hay không?
Với xe máy, nếu mực nước ngang với vị trí bugi, ống xả thì không nên mạo hiểm vượt qua, nhất là với đoạn ngập dài. Khi vượt qua khu vực úng ngập, cần đi số thấp và giữ đều tay ga. Trong quá trình di chuyển, cần quan sát để tránh bị xe ô tô cùng chiều hoặc ngược chiều bất ngờ xuất hiện gây sóng nước làm mất lái, chết máy.
Với ô tô, mỗi một dòng xe có gầm cao khác nhau, vị trí ống hút gió cũng khác nhau nên khả năng lội nước vì thế cũng khác nhau. Ông Vũ Quốc Trinh, chủ gara ô tô Quốc Trinh (quận Long Biên) cho biết: Ống hút gió càng cao thì khả năng lội nước càng tốt, vì nước khó tràn vào động cơ gây chết máy. Với các dòng xe gầm thấp, giới hạn lội nước an toàn là mực nước cao đến nửa bánh xe. Còn với các dòng xe gầm cao, khả năng lội nước sẽ tùy theo thiết kế xe. Thông thường, dòng SUV và bán tải có khả năng lội nước tốt nhất, có xe có thể vượt qua đoạn ngập sâu tới 70 - 80cm. Để có đánh giá chính xác, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần nắm rõ tính năng phương tiện mình điều khiển bằng việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc liên hệ với bộ phận kỹ thuật của hãng để được tư vấn. Khi thấy phương tiện đủ khả năng vượt qua khu vực úng ngập thì cần bật đèn cảnh báo, đèn chiếu sáng để có thể quan sát tốt hơn, giúp đánh giá chính xác độ sâu vùng ngập.
Một lưu ý khác: Khi điều khiển phương tiện qua khu vực ngập thì nên tắt điều hòa, các thiết bị điện không cần thiết như màn hình, loa... Việc tắt điều hòa sẽ giúp giảm khả năng quạt gió hút nước vào sâu khoang máy, đồng thời giúp tăng sức mạnh cho động cơ. Về điều khiển phương tiện vượt qua vùng ngập úng, các chuyên gia khuyến cáo chuyển về số thấp, bởi khi ở số xe thấp, lực kéo sẽ cao. Khi điều khiển xe vượt qua vùng ngập, cần giữ đều ga, đi ở tốc độ trung bình, không quá chậm cũng không quá nhanh, không tăng giảm ga đột ngột. Tăng ga đột ngột có thể tạo lực quán tính khiến nước tràn vào khoang máy qua lưới tản nhiệt. Giảm ga đột ngột có thể khiến nước tràn vào ống xả.
Làm gì nếu xe bị ngập nước, chết máy do ngập nước?
Anh Nguyễn Mạnh Cường, một thợ sửa xe máy lâu năm cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến chết máy khi bị ngập nước là: Bị ngập nên bugi không đánh lửa được, nước vào chế hòa khí lẫn vào xăng khiến động cơ không hoạt động, nước vào ống xả gây tắc đường thoát. Để xử lý, chỉ cần tháo bugi, đạp khởi động đẩy nước trong máy ra, lau khô, lắp lại bugi; nếu khởi động lại được, tiếng nổ “tròn” thì tiếp tục đi. Nếu không được thì phải tháo, xả hết xăng cũ trong bộ chế hòa khí. Tuy nhiên, sau đó cần đến ngay tiệm sửa chữa để kiểm tra, thay dầu máy, sửa chữa (nếu cần thiết) để tránh ảnh hưởng tới các bộ phận khác của động cơ.
Với ô tô, khi xe đã bị ngập nước hoặc đang vượt qua vùng ngập nước thì chết máy, người điều khiển tuyệt đối không được khởi động lại động cơ bởi hành động này có thể dẫn nước vào trong máy nhiều hơn, gây hư hỏng nặng (thường gọi là thủy kích). Trong tình huống đó, cần gọi cứu hộ hoặc nhờ người hỗ trợ đẩy xe lên vị trí cao hơn và chờ cứu hộ (để tránh xe bị ngâm quá lâu trong nước, ảnh hưởng tới đồ nội thất, thiết bị điện, điện tử trong xe). Khi xe bị ngập hoặc chết máy khi qua chỗ ngập, cần gọi ngay cho hãng bảo hiểm để tiến hành các thủ tục kiểm tra, đền bù, sửa chữa càng sớm càng tốt theo gói bảo hiểm đã mua.
Cập nhật thông tin để tránh “điểm đen” úng ngập
Chẳng có biện pháp nào tốt hơn việc tránh không phải đi qua khu vực đang bị ngập úng. Chính vì vậy, cần theo dõi sát thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kênh VOV giao thông về điểm đang úng ngập, tắc đường để... tránh. Nếu không có đường khác để đi thì tốt nhất là đợi cho đến khi giảm úng ngập, ùn tắc mới khởi hành hoặc tiếp tục hành trình, bởi nếu cố đi thì cũng bị úng ngập, tắc đường chặn lối.
Được biết, từ mùa mưa năm 2019, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã cung cấp ứng dụng có tên gọi HSDC Maps trên điện thoại thông minh nhằm giúp người dân nhận biết được các tuyến đường nội đô bị ngập lụt. Đây là ứng dụng trên nền bản đồ với thông số chi tiết về tình trạng mưa, không mưa và các khu vực ngập úng, rất hữu ích, tiện dụng cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Để thu thập dữ liệu, đơn vị đã lắp hệ thống camera giám sát tại các điểm ngập nặng trong khu vực Hà Nội. Khi người dùng ứng dụng muốn di chuyển đến các địa điểm trong lúc mưa bão, ứng dụng HSDC Maps còn cung cấp các tuyến đường thay thế, đường vòng để tránh các điểm đang ngập. Đặc biệt, người dùng có thể gửi dữ liệu gồm thông tin, hình ảnh về các điểm ngập vào thời điểm hiện tại tới bạn bè từ tính năng “gửi thông tin” trên ứng dụng. Đồng thời, người dùng cũng có thể gửi cảnh báo ngập úng thông qua phần mềm. Để sử dụng, có thể tải app: HSDC Maps và làm theo hướng dẫn để sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.