Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăn trở nỗi lo đời sống giáo viên

Thống Nhất| 16/01/2014 06:32

(HNM) - Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã cận kề, trong khi người lao động ở nhiều doanh nghiệp háo hức với lương tháng thứ 13 và thưởng Tết thì với hầu hết các thầy, cô giáo trong trạng thái trầm.


"Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"

Khái niệm lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết dường như không tồn tại trong ngành GD-ĐT. Một cán bộ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: Trong danh mục chi trả cho giáo viên (GV) không có khoản thưởng Tết. Các nhà trường là đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về chi tiêu tài chính. Vì thế, nếu trường nào khéo xoay xở, chi đúng, tiêu đủ, biết tiết kiệm thì có thể bổ sung vào quỹ tiền lương cho GV hoặc chủ động về kinh phí mỗi khi "nhà có việc".

Việc thưởng Tết cho giáo viên cần được quan tâm hơn nữa. Ảnh: Thái Hiền



Vì thế ở mỗi địa phương, mỗi trường học lại có cách thức và mức hỗ trợ Tết cho GV khác nhau, nhưng cùng chung ở chỗ là phụ thuộc chủ yếu vào sự quan tâm của cấp quản lý, tài "chèo lái" của thủ trưởng đơn vị và trong tình trạng "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Theo lý giải của các trường, quy định của Nhà nước là 80% ngân sách dùng chi lương, 20% còn lại dùng cho các hoạt động giáo dục khác. Nhưng hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi nhà trường phải đảm đương rất nhiều việc để tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS, nên phần chi khác nhiều khi không đủ. Chỉ những trường có quy mô lớn, nhiều GV trẻ thì mới có thể dành ra được chút ít từ kinh phí chi lương. Trong nhà trường không còn khoản thu nào khác có thể gây quỹ. Vì thế, gọi là thưởng Tết, chứ phần nhiều chỉ mang ý nghĩa động viên các thầy, cô giáo trong dịp này.

Theo ghi nhận, hầu hết các trường trên địa bàn Hà Nội đều cố gắng giữ nguyên mức thưởng Tết cho GV như năm ngoái. Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) Lê Hồng Vũ cho biết, năm nay mức thưởng Tết thấp nhất đối với GV các cấp học trên địa bàn quận là 3 triệu đồng/người. Những người có thành tích xuất sắc được hưởng mức cao hơn, tùy theo từng trường. So với một số quận, huyện khác, mức thưởng của GV quận Tây Hồ có vẻ nhỉnh hơn. Theo ông Lê Hồng Vũ, lý do là các trường trên địa bàn quận đều được UBND quận đầu tư đồng bộ, kể cả những hạng mục sửa chữa nhỏ nên các trường tiết kiệm được khoản chi thường xuyên. Ngoài ra, trong số 1.200 GV các cấp học, hầu hết đều ở tuổi đời còn trẻ (trung bình 35-40 tuổi) nên các trường cũng dành ra được chút ít từ khoản chi lương. Còn ở Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), mỗi GV được thưởng Tết bằng một tháng lương. Đây là mức xấp xỉ so với năm ngoái, nhưng là sự cố gắng lớn của nhà trường. Lý do bởi ngoài bối cảnh khó khăn chung, số lượng HS của trường năm nay giảm hơn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường ngoài công lập hiện nay.

Bao giờ hết chạnh lòng?

Vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (2009), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã viết thư kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay lo Tết cho GV, để "ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến". Bức thư đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, làm dấy lên nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến đời sống nhà giáo. Thế nhưng, 5 năm trôi qua, việc dành cho GV một sự ưu đãi tương xứng với lao động và trách nhiệm, vị thế của họ vẫn là nỗi trăn trở của nhiều người.

Trả lời báo chí về chuyện thưởng Tết cho GV trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: Thưởng Tết với ngành giáo dục là rất khó và chưa có giải pháp khắc phục. Các địa phương tùy theo điều kiện của mình để có sự quan tâm tới các thầy, cô…

Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã xác định nhiệm vụ, cũng là giải pháp cốt lõi trong lộ trình thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn tới là quan tâm, đầu tư đặc biệt tới đội ngũ nhà giáo. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết cũng xác định: "GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội". TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội cho rằng việc đầu tiên cần quan tâm trong lộ trình đổi mới GD-ĐT phải là đổi mới cách quan tâm, ứng xử với nhà giáo sao cho xứng với vị thế và lao động của họ trong xã hội hiện nay. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, chúng ta đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GV về đạo đức, về tay nghề, về mọi mặt… nhưng lại chưa thực sự quan tâm và thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với sứ mệnh mà đội ngũ này đang đảm đương. Vì thế, Nhà nước phải có giải pháp căn bản cho việc này để đội ngũ nhà giáo yên tâm dạy học, bớt đi nỗi chạnh lòng mỗi khi Tết đến.

Rõ ràng, tiến độ và chất lượng của Đề án đổi mới giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nếu những người thi công - nhà giáo còn bộn bề lo toan cuộc sống, không thể toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm đến đội ngũ nhà giáo trước hết phải là quan tâm đến đời sống vật chất của họ bằng những chính sách thiết thực, làm sao để họ bớt nỗi lo mưu sinh, chuyên tâm cống hiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở nỗi lo đời sống giáo viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.