(HNMCT) - Gọi Trung tá Đào Trung Hiếu là “nhà” gì cũng thiếu bởi anh không chỉ viết văn, làm báo (hiện công tác tại chuyên đề An ninh Thế giới của Báo Công an Nhân dân) mà còn là võ sư, chuyên gia tâm lý tội phạm học và đặc biệt gần đây anh còn dấn thân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là biên kịch kiêm phó đạo diễn cho bộ phim Bão ngầm được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của anh.
Lý giải về việc làm nhiều nghề một lúc như vậy, anh cho rằng, năng lực trong cá nhân mỗi người sẽ không thể khai thác hết nếu không đặt người đó vào từng hoàn cảnh cụ thể và buộc phải tiến lên.
1. Trung tá Đào Trung Hiếu được nhiều người biết đến khi anh thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình với vai trò một chuyên gia tâm lý tội phạm học. Bằng những lý lẽ, lập luận sắc bén, chặt chẽ, thuyết phục, anh đã khiến công chúng hiểu thêm về một vụ án hay biết cách phòng ngừa một số hành vi tội phạm đang diễn ra ngoài xã hội.
Tôi gặp anh khi anh đang bận rộn chuẩn bị cho talk show trên kênh VTC1 với chủ đề Tín dụng đen và nạn đòi nợ thuê. Phong thái trẻ trung, vui vẻ, hòa đồng của Đào Trung Hiếu khác xa với hình dung thường thấy về một võ sư, chuyên gia tâm lý tội phạm học. Và quả thực khi tôi hỏi bây giờ anh thích được gọi là “nhà” gì nhất, anh khẳng định muốn được gọi là một nhà văn.
2. Cơ duyên đến với văn chương của Đào Trung Hiếu cũng thật đặc biệt. Ông nội của anh - cụ Đào Phương Bình, là một trong những người sáng lập ra Viện Hán Nôm Việt Nam và từng làm Phó Viện trưởng viện này trong thời gian dài. Thời phổ thông anh học lớp chuyên văn và có năng khiếu nổi trội về văn học. Nhưng do trong nhà có người anh là võ sư Đào Hoàng Long, một học trò của võ sư Ngô Xuân Bính và cũng là người đã “gieo mầm” võ Nhất Nam - môn võ cổ xưa nhất của tổ tiên Lạc Hồng - ở xứ Mường Lò (huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Do ảnh hưởng của gia đình mà chàng thanh niên Đào Trung Hiếu đã ngấm dần, say mê, yêu thích cả hai lĩnh vực văn học và võ thuật. Thế rồi, anh đã chọn theo học Học viện Cảnh sát Nhân dân nhưng dù có đi học và sau này có gần 20 năm làm nghề điều tra hình sự, công tác tại Công an tỉnh Yên Bái, rồi sau đó là Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội nhưng anh chưa một ngày rời cây bút. Anh vẫn cần mẫn viết báo, viết truyện ngắn gửi cộng tác với nhiều tờ báo ở cả trong và ngoài lực lượng công an.
Năm 2012 khi đang công tác ở Phòng Hình sự, Công an thành phố Hà Nội, anh đã viết cuốn sách Chuyện ngoài hồ sơ (NXB Văn học ấn hành). Sau tác phẩm này, cuối năm 2013 anh có bước ngoặt công tác mới là chuyển về làm báo ở Báo Công an Nhân dân... Thế nhưng, tên tuổi của Đào Trung Hiếu chỉ thực sự được biết đến khi anh xuất bản cuốn tiểu thuyết dày dặn, công phu Bão ngầm về đề tài công an đã được trao giải A trong Cuộc thi viết truyện và ký về đề tài “An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức. Chưa dừng lại ở đó, được sự động viên, khích lệ của bạn bè, đồng nghiệp anh đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết này thành kịch bản bộ phim cùng tên. Anh bảo, anh chỉ mất một tháng để viết tiểu thuyết nhưng phải mất 2 năm để cho ra 45 tập phim với 2.250 trang kịch bản. “Khi tôi ngồi vào bàn viết, chữ nghĩa cứ tuôn ra như không dừng được. Sở dĩ có điều đó là bởi các chi tiết, nhân vật đều bắt nguồn từ những câu chuyện, những thân phận mà tôi đã từng gặp trong những năm tháng dài đằng đẵng đi phá án”, nhà văn Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Trong Bão ngầm, anh phản ánh hình tượng người chiến sĩ công an ở ba khía cạnh, đó là cuộc đấu tranh trong bản thân mỗi người lính khi đấu tranh trong nội bộ và đấu tranh với tội phạm. “Đây là bộ phim truyền hình quay theo phong cách điện ảnh. Vui mừng là vừa qua đoàn công tác của Bộ Công an do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành dẫn đầu cùng đại diện 6 cục nghiệp vụ đã lên Yên Bái (địa phương chiếm 60-70% cảnh quay trong phim) để cùng tìm cách hợp tác, hỗ trợ đoàn làm phim. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an cùng Tỉnh ủy Yên Bái với mục tiêu chung là xây dựng thước phim giàu giá trị nội dung nghệ thuật về đề tài đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng cảnh sát hình sự, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch địa phương”, nhà văn Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Nghề cảnh sát hình sự thì luôn khô khan và nghề văn thì phải bay bổng, tuy nhiên anh có cách lý giải khá thú vị để bản thân có thể dung hòa được điều đó. “Câu chuyện điều tra tội phạm, phá án là công việc hiện thực trong đời sống, mà đã là hiện thực thì liên quan đến con người, tức là có câu chuyện, có tình người, có bi kịch, khổ đau và cả hạnh phúc. Đó cũng là chất liệu khiến tôi có động lực cầm bút như để giãi bày những tâm tư, nguyện vọng, ý chí của người chiến sĩ công an nhân dân. Đây cũng có thể xem như là lợi thế của tôi so với các nhà văn ngoài lực lượng công an”.
3. Trong câu chuyện, nhà văn Đào Trung Hiếu luôn trăn trở về sự hy sinh thầm lặng của đồng đội. Anh luôn quan niệm cầm bút là để kể với nhân dân về sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an nói chung, của lực lượng trinh sát đấu tranh chống tội phạm ma túy nói riêng. Họ cũng là con người, có đầy đủ nhu cầu, tình cảm như bất kỳ ai. Sự cao cả nằm ở chỗ họ dám hy sinh lợi ích, nhu cầu chính đáng của mình để làm việc công, vì bình yên cuộc sống của người dân. “Tất nhiên trong hành trình đó, cũng có người vì tham vọng tiền bạc, quyền lực mà gục ngã, để rồi trượt dốc, tha hóa, thậm chí tiếp tay cho quỷ dữ, cản trở hành trình truy lùng tội phạm của đồng đội. Tôi mô tả chân thực những điều đã và đang xảy ra trong đời sống, không né tránh hiện thực. Bởi vì chủ trương của Đảng ta là “không có vùng cấm” trong cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy”.
Ngoài những công việc kể trên, nhà văn Đào Trung Hiếu hiện cũng là thầy giáo trên bục giảng. Anh đang tham gia giảng dạy cho khoa Luật hình sự tại Viện Đại học Mở Hà Nội và bộ môn điều tra hình sự tại Đại học Kiểm sát Hà Nội. Anh cũng thường xuyên về các địa phương dạy cho các cán bộ chiến sĩ làm chiến thuật hỏi cung, phương pháp điều tra các vụ án..., đồng thời hợp tác với ngành Giáo dục dạy học sinh từ tiểu học đến đại học về kỹ năng phòng, chống các loại tội phạm phổ biến trong giới học sinh, sinh viên như: Xâm hại, bắt cóc, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chống buôn bán người... Ngoài ra, anh cũng tham gia giảng dạy lãnh đạo các sở giáo dục kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, kỹ năng viết tin bài cho các trang thông tin điện tử...
Dù làm nhiều việc cùng lúc nhưng trong bất cứ lĩnh vực nào Đào Trung Hiếu cũng ít nhiều gặt hái được thành công. Chia sẻ về điều này, anh bảo mình làm vì đam mê chứ không có toan tính gì cả. Anh cũng nhắn nhủ tới đồng đội của mình rằng: “Chỉ mong anh em bình an, chân cứng đá mềm, vì người chiến sĩ công an luôn vất vả, luôn ở nơi khó khăn và nguy hiểm trong khi đó thu nhập không phải là quá cao. Tôi cho rằng sự hy sinh của người chiến sĩ công an không chỉ nằm ở phút giây sinh tử khi đối mặt với tội phạm mà còn ở ngay trong cuộc sống đời thường, khi họ biết hy sinh bản thân để bảo vệ sự bình yên cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho mọi nhà”.
Trung tá, nhà văn, võ sĩ Đào Trung Hiếu sinh năm 1973, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Anh từng tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nhân dân và hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Một số tác phẩm của anh đã xuất bản: Chuyện ngoài hồ sơ (NXB Văn học, 2012), Tiếng súng lạc bầy (NXB Công an Nhân dân, 2013), Bão ngầm (NXB Công an Nhân dân, 2015), Phía sau vụ án (NXB Công an Nhân dân, 2017), Tội phạm, đọc vị và ứng phó (NXB Công an nhân dân, 2019).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.