Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trận quyết đấu trên đồi Capitol

Vân Khanh| 31/07/2011 05:48

(HNM) - Không bất ngờ nhưng đầy kịch tính, cuộc chiến xác định trần nợ tại Quốc hội Mỹ ngày càng gay cấn ngay vào thời điểm hạn chót 2-8 đã cận kề. Với tỷ lệ 59 phiếu chống và 41 phiếu thuận, Thượng viện Mỹ tối 29-7 đã bác bỏ dự luật nâng trần nợ kèm cắt giảm chi tiêu vừa được Hạ viện thông qua trước đó chỉ hai giờ.

Bên này thông bên kia bác, màn đuổi bắt thất bại giữa lưỡng đảng Mỹ trên đồi Capitol dù đã được dự báo nhưng vẫn không khỏi khiến dư luận toàn cầu nghẹt thở dõi theo trong lo lắng. Khi thời gian để Chính phủ của Tổng thống Barack Obama rơi vào cảnh vỡ nợ chỉ còn được đếm bằng giờ, cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa những người Dân chủ và Cộng hòa cho thấy các cuộc thương thuyết suốt nhiều tuần qua chưa hề rút ngắn được khoảng cách chia rẽ về nợ công trong lòng nước Mỹ. Số phận hàng loạt trái chủ, các khoản thanh toán an sinh, những hợp đồng từng được ao ước giữa chính phủ với hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ… đang là con tin của cuộc thi gan chưa từng thấy giữa chú Lừa (đảng Dân chủ) và chú Voi (đảng Cộng hòa).

Chưa khi nào, tư tưởng đảng phái lại thể hiện rõ đến vậy trong quyết định liên quan đến ngân sách của Chính phủ Mỹ. Phần lớn các thành viên đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện chia sẻ lập trường của Chủ tịch John Boehner, sẽ mở lối thoát hiểm bằng việc nâng trần nợ thêm 900 tỷ USD ngay lập tức như một bước đệm để lưỡng viện thông qua kế hoạch sửa đổi ngân sách, giảm chi tới 917 tỷ USD trong vòng 10 năm trước khi có được quyết nghị nâng trần nợ lần hai. Trong khi đó, hầu hết những thành viên Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện do đảng này kiểm soát lại muốn nâng nợ trần thêm 2.400 tỷ USD trong một lần duy nhất với lập luận kế hoạch hai bước của người Cộng hòa không giải quyết triệt để vấn đề của nước Mỹ. Với mức trần nợ ít ỏi chỉ đủ để siêu cường số 1 thế giới tiêu pha trong vài tháng, kịch bản sau đó sẽ lại là trò "mặc cả" chưa thấy điểm dừng được cho là sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất hành tinh một lần nữa lâm vào trạng thái nguy hiểm ngay trong năm bầu cử 2012.

Sự hình thành hai trục riêng rẽ ngay tại cơ quan lập pháp có tiếng nói quyết định với sinh mệnh tài chính của chính phủ khẳng định một sự thật là, cho dù nước Mỹ sẽ bằng mọi giá để ngày đen tối 2-8 không xảy ra thì một thỏa hiệp giúp đẩy lùi bóng tối vỡ nợ đang có cơ ụp xuống sẽ vô cùng khó khăn. Lịch sử cũng đã đem đến nhiều điều phải suy ngẫm. Trên thực tế, nâng trần nợ quốc gia không còn là điều quá mới tại Mỹ khi nước này đã có tới 39 lần nới rộng ngưỡng thanh khoản cho chính phủ. Tuy nhiên, chưa lần nào, mối bất đồng lưỡng đảng lại đẩy "chú Sam" tới gần vực nước xoáy khủng hoảng như đang diễn ra. Có nhận định rằng, động cơ chính trị là có thật ẩn sau cuộc chiến ngân sách đang diễn ra. Khi mức nợ quốc gia rơi vào điểm nhạy cảm, tương lai kinh tế đất nước ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh của người dân Mỹ… ắt sẽ là mối quan tâm của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2012. Do đó, cả người Dân chủ lẫn Cộng hòa xem ra đều không muốn bỏ qua cơ hội nhằm xây dựng và bảo vệ hình ảnh trước cử tri bằng những vấn đề kinh tế đang được quan tâm hiện nay. Vì thế, người Cộng hòa đã tỏ ra khá tự tin khi hạ quân bài nợ trần "nhỏ giọt" và đẩy quả bóng thương lượng về sân của đảng Dân chủ vốn có phần trách nhiệm lớn hơn trong việc hậu thuẫn vị tổng thống cùng đảng.

"Điểm chết" 2-8 của nước Mỹ là không thể xem nhẹ. Nếu xảy ra điều tồi tệ, hậu quả sẽ là sự rung chuyển của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu vốn đã quá yếu sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Nước Mỹ cũng sẽ tự rước họa vào thân khi chắc chắn phải trả lãi cao hơn cho các khoản nợ do bị hạ tín nhiệm tín dụng nếu vỡ nợ. Và ước tính, thêm 100 tỷ USD nữa sẽ được tự cộng thêm vào khoản tiền lãi hiện đã là 250 tỷ USD của Washington/năm...

Vì vậy, thay vì những phản ứng được cho là nhẹ nhàng của vài tuần trước, sàn chứng khoán Mỹ rực lửa và vừa có tuần giảm điểm mạnh nhất trong 1 năm các sàn giao dịch từ châu Âu đến châu Á rơi vào u ám. Thị trường vàng quốc tế cũng đang rơi vào điểm nóng nhất trong hơn 60 ngày qua bởi cuộc chơi của các Nghị sỹ trên đồi Capitol. Điều mong đợi mang tính toàn cầu vào lúc này là hy vọng trận quyết đấu trên đồi Capitol mau chóng kết thúc để trước hết giúp nước Mỹ đứng vững; đồng thời lập lại trật tự nền tài chính thế giới đang lâm vào chao đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trận quyết đấu trên đồi Capitol

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.