Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trần nợ công làm đau đầu chính giới Australia

Đình Hiệp| 17/11/2013 06:53

(HNM) - Gần một tháng sau khi nước Mỹ đối mặt với

Lạm phát tăng sẽ khiến người dân Australia phải cắt giảm chi tiêu.


Thượng viện Australia ngày 14-11 đã biểu quyết nhất trí với đề xuất của các đảng đối lập (Công đảng và đảng Xanh) để nâng mức trần nợ công từ 300 tỷ đôla Australia (AUD) hiện nay lên 400 tỷ AUD. Dù kết quả không như mong đợi nhưng sự kiện này được xem là thành công bước đầu đối với chính quyền của Thủ tướng T.Abbott trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Trước đó, để tránh rơi vào tình cảnh không mong đợi như quốc gia đồng minh ở bên kia đại dương, chính quyền của Thủ tướng T.Abbott đã đề xuất tăng mức trần nợ công từ 300 tỷ AUD hiện nay lên 500 tỷ AUD. Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Công đảng đối lập khi đảng này cho rằng Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền đang tận dụng cuộc tranh cãi xung quanh mức trần nợ vì mục đích chính trị. Theo lập luận của Công đảng, Chính phủ vẫn chưa công bố báo cáo ngân sách nên khó có cơ sở để đánh giá triển vọng kinh tế, tình hình tài chính hay mức nợ quốc gia.

Cũng như nước Mỹ, mức trần nợ công là giới hạn khoản vay của chính quyền liên bang Australia. Việc đặt ra trần nợ công cho phép Quốc hội kiểm soát "chiếc ví" liên bang. Mức trần nợ công cũng giúp tạo ra một dạng trách nhiệm về tài chính, buộc Quốc hội và Thủ tướng Australia phải thực thi các hành động cụ thể và minh bạch để tăng hạn mức vay nợ liên bang khi Chính phủ chi nhiều hơn thu. Để nâng được mức trần nợ công dù chưa như mong đợi, Chính phủ của Thủ tướng T.Abbott còn phải chờ Hạ viện thông qua trong những ngày tới.

Trong bối cảnh Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền đang chiếm đa số tại Hạ viện, việc thông qua mức trần nợ công như Thượng viện được cho là không quá khó với Chính phủ của Thủ tướng T.Abbott. Thế nhưng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Australia Joe Hockey cho rằng, mức trần nợ công vừa được Thượng viện nâng lên 400 tỷ AUD không đủ. Nếu Công đảng đối lập vẫn tiếp tục ngăn cản việc nâng thêm mức trần nợ công và nếu điều này "thành công" thì Chính phủ sẽ chỉ còn một lựa chọn là bắt đầu các kế hoạch cắt giảm hàng loạt chi tiêu của cơ quan hành pháp. Cảnh báo Australia có nguy cơ phải đóng cửa các cơ quan nhà nước như nước Mỹ, ông J.Hockey nhấn mạnh Chính phủ cần phải nâng mức trần nợ nhằm tạo sự ổn định và lòng tin cho người dân; đồng thời bảo đảm vấn đề mức trần nợ sẽ không cản trở hoạt động của Australia trong thời gian tới.

Theo lý giải của Bộ trưởng J.Hockey, sự thể không nằm ở mức trần nợ mà ở các khoản nợ và Canberra cần một kế hoạch đáng tin cậy để giảm từng khoản một trong thời gian tới. Kế hoạch này, theo ông J.Hockey là công tác kiểm toán chi tiêu chính phủ sẽ do Ủy ban Kiểm toán (gồm 5 người) thực hiện trong thời gian sớm nhất. Ủy ban sẽ cung cấp báo cáo sơ bộ cho Chính phủ trước cuối tháng 1-2014 và báo cáo cuối cùng sẽ góp phần định hình dự thảo ngân sách tài khóa 2014-2015 với ưu tiên giảm mạnh từng khoản nợ.

Lên nắm quyền từ tháng 9 vừa qua sau chiến thắng của Liên đảng Tự do - Quốc gia trước Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Kevin Rudd (người vừa tuyên bố từ giã chính trường), một trong những trọng tâm ưu tiên của Thủ tướng T.Abbott là thúc đẩy phát triển kinh tế. Kinh tế hiện vẫn là mối quan tâm hàng đầu của hàng triệu người dân Australia, đặc biệt khi các mức tăng trưởng kinh tế trung bình được dự báo mới đây cho năm 2013 này đều thấp hơn các mức dự báo trước đó. Ngân hàng trung ương Australia còn dự báo, nước này sẽ mất hơn 10.000 việc làm nếu chuyển đổi từ phụ thuộc chủ yếu vào ngành khai khoáng sang các ngành khác như xu hướng hiện nay.

Là nền kinh tế phát triển duy nhất tránh được suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhưng các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Australia thời gian tới có thể chậm lại do phải giải quyết tình trạng đi xuống của ngành khai khoáng. Đây là thách thức không nhỏ với Chính phủ của Thủ tướng T.Abbott bên cạnh bài toán nâng trần nợ công đang làm đau đầu chính giới xứ Chuột túi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trần nợ công làm đau đầu chính giới Australia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.