OCOP Hà Nội

Tháo gỡ vướng mắc, nâng cao giá trị sản phẩm

Mai Nguyễn thực hiện 19/11/2024 - 06:01

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau một thời gian thực hiện đã thu được nhiều kết quả nhưng vẫn còn khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để mang lại hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tới.

Dưới đây là một số ý kiến chia sẻ của những người trong cuộc.

Bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MD Queens:
Nhiều lợi ích khi tham gia OCOP

638669134436982911-trinh-ki.jpg

Ngay từ khi Chính phủ mới ban hành Chương trình OCOP, chúng tôi đã tìm hiểu và mạnh dạn đưa sản phẩm trà xạ đen MD Queens dự thi đánh giá, phân hạng và được chứng nhận OCOP 4 sao. Kể từ khi đó, sản phẩm của chúng tôi được nâng tầm thương hiệu và tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Chúng tôi được các sở, ban, ngành của Thành phố cũng như địa phương quan tâm, hỗ trợ về truyền thông, quảng bá sản phẩm, được tham gia các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương của Nhà nước. Điều đó giúp sản phẩm đến với người tiêu dùng hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng được hỗ trợ xúc tiến và trưng bày tại các điểm bán sản phẩm OCOP của các sở, ban, ngành, điều này đã góp phần giúp doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi tạo được uy tín với người tiêu dùng.

Tuy vậy, hiện đa số các chủ thể OCOP đều là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã hoặc hộ gia đình nên thiếu kiến thức về thủ tục tham gia phân hạng OCOP. Nếu phải tự làm hồ sơ, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, tôi mong Thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ chúng tôi thông qua đơn vị tư vấn hướng dẫn các thủ tục để đánh giá, phân hạng sản phẩm. Mặt khác, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về sản phẩm OCOP đến người dân. Thành phố mở thêm nhiều điểm bán OCOP tại địa phương và tăng cường truyền thông để người dân biết và tin dùng sản phẩm.

Bà Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm:
Việc đánh giá lại các sản phẩm hết thời hạn là rất cần thiết

638669134432770371-dinh-thi.jpg

Xã Văn Đức có vùng bãi sông Hồng rộng lớn, là vùng trồng rau trọng điểm của thành phố. Cả xã có 285ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng rau gần 200ha. Ước mỗi năm, vùng rau Văn Đức cung cấp khoảng 35.000 tấn rau xanh cho các siêu thị và chợ đầu mối. Để nâng cao giá trị sản xuất, từ năm 2019, Hợp tác xã đã chọn sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng OCOP và đã có 17 sản phẩm được chứng nhận. Từ khi tham gia vào Chương trình, sản phẩm của Hợp tác xã dễ dàng hơn khi đưa vào các kênh tiêu thụ siêu thị, bếp ăn tập thể. Từ đó, giá trị cây rau cũng cao hơn so với bán ở các chợ đầu mối.

Theo quy định, các sản phẩm được chứng nhận OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp. Chính vì vậy, năm 2024, Hợp tác xã đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thi đánh giá, phân hạng lại với các sản phẩm hết thời hạn công nhận. Lần này, theo hướng dẫn, Hợp tác xã sẽ chọn các loại rau để đánh giá theo bộ, như bộ rau ăn lá (rau muống, cải, dền...), rau ăn quả (bầu bí, mướp, đậu đỗ...), rau ăn củ (khoai tây, khoai lang, củ cải...), bắp (bắp cải, ngô...). Hiện Văn Đức đã được cấp mã số vùng trồng. Với việc tham gia đánh giá, phân hạng OCOP, chúng tôi cho rằng đó là tiền đề để Văn Đức xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như bắp cải, cải thảo ra thị trường nước ngoài.

Bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Kinh Bắc:
Hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm tốt nhất

638669134435266691-tran-thi.jpg

Là đơn vị có kinh nghiệm tư vấn cho hơn 2.000 sản phẩm OCOP trên khắp cả nước đạt từ 3 sao đến 5 sao, tôi nhận thấy chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 triển khai ở Hà Nội đã được Thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã rất quan tâm. Cụ thể, Thành phố đã thuê các đơn vị tư vấn để giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm và hướng dẫn chủ thể về các thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh như Đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, Quy định về bao bì, nhãn mác hàng hóa... Chúng tôi nhận thấy Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo... để kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Đồng thời, Hà Nội còn chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cho các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP.

Là đơn vị tư vấn, chúng tôi đã xuống trực tiếp cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể củng cố, hoàn thiện hồ sơ. Thông qua việc tư vấn, chúng tôi còn tuyên truyền cho chủ thể về tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm; hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng...

Để Chương trình OCOP đạt kết quả cao hơn, tôi cho rằng mỗi chủ thể cần tích cực tập trung tổ chức sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị bền vững. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các chủ thể OCOP; tham mưu, đề xuất UBND thành phố nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trong các hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình khai thác thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận)...

Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Phú Xuyên:
Cần hỗ trợ kinh phí cho việc đánh giá, phân hạng OCOP

638669134434018531-le-tien-.jpg

Tính đến nay, huyện Phú Xuyên đã có hơn 250 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Đây là kết quả rất lớn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện huyện vẫn còn gặp một số khó khăn. Số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng đa phần mới đạt cấp độ 3 - 4 sao và cũng chỉ tập trung khai thác ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào thị trường cung cấp ở các vùng nguyên liệu ngoài thành phố hoặc huyện... Nếu được tháo gỡ, chắc chắn Chương trình sẽ đạt kết quả cao hơn.

Cụ thể, ở Phú Xuyên, mặc dù có nhiều làng nghề đặc trưng và nông sản nhưng sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, theo phương thức thủ công, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, giá trị sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, ngân sách huyện chỉ hỗ trợ đánh giá chứng nhận sản phẩm OCOP lần đầu cho chủ thể, do vậy, một số chủ thể OCOP đã hết hạn gặp khó về kinh phí tham gia đánh giá lại.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn nhiều chủ thể chưa hiểu hết được ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Huyện Phú Xuyên mong muốn được Thành phố và các sở, ngành liên quan hỗ trợ để có thêm kinh phí triển khai đánh giá chứng nhận lần đầu, chứng nhận lại sản phẩm OCOP hằng năm. Bên cạnh đó, huyện cần được hỗ trợ về quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm làng nghề, nông sản, nhất là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc, nâng cao giá trị sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.