(HNM) - Mặc dù đã có quy định hành vi vi phạm và mức xử phạt việc đổ phế thải xây dựng không đúng quy định, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan.
Phế thải xây dựng đổ tràn trên dải phân cách ở phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa). |
Ngổn ngang phế thải
Thực hiện Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý chất thải và phế liệu cũng như nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các mức phạt ngày càng cao. Tại Hà Nội, từ năm 2015, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 29/2015/ QĐ-UBND quy định về bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại TP Hà Nội. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân xây dựng công trình phải ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng, đổ đúng nơi quy định. Chủ các phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển phải thực hiện thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định và tuân thủ các biện pháp giảm bụi. Xe vận chuyển vật tư, vật liệu rời, phế thải xây dựng, bùn, đất, chất thải sinh hoạt... phải có thùng xe kín khít; hoặc phải sử dụng xe chuyên dùng để vận chuyển; không vận chuyển quá tải trọng quy định...
Tuy nhiên, tại nhiều đường phố, nhất là những đoạn đường gần công trình xây dựng, dự án chưa hoàn thành, hay những tuyến đường thưa vắng người đi lại… đều có thể bắt gặp những đống phế thải xây dựng ngổn ngang. Ít thì là những bao tải dứa trên vỉa hè, thảm cỏ, dải phân cách… các tuyến đường trong nội thành, nhiều là những đống phế thải trút từ thùng xe ben xuống vệ đường như Đại lộ Thăng Long, các khu đô thị mới Kiến Hưng, Văn Phú, Thanh Hà…, bờ ven sông Hồng thuộc địa bàn các phường ngoài đê như Bạch Đằng, Thanh Lương.
Điển hình của tình trạng phế thải đổ bừa bãi phải kể đến phía dưới gầm dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Từ các điểm đầu tuyến là ga Cát Linh đi qua phố Hào Nam, Hoàng Cầu đến các ga cuối như Văn Quán, Yên Nghĩa… đều xuất hiện các đống, bao phế thải xây dựng đổ tràn trên dải phân cách dưới gầm cầu và các chân cầu thang nhà ga.
Ông Phạm Việt Cừ - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết: Cán bộ phường phối hợp với công an và lực lượng chức năng rất vất vả mới dọn được phế thải ở dải phân cách dưới gầm đường sắt trên cao thuộc địa giới phố Hào Nam. Trong khi số phế thải ở phố Hoàng Cầu, đoạn đối diện hồ Hoàng Cầu, vẫn chưa thu dọn xong vì đối tượng đổ trộm vẫn thường xuyên hoạt động vào đêm khuya. Khi gặp lực lượng chức năng, các đối tượng này manh động, lao xe vào cán bộ xử lý; khi bị bắt quả tang, giữ xe và lập biên bản vi phạm thì họ sẵn sàng bỏ phương tiện vận chuyển lại vì giá trị phương tiện thấp hơn nhiều lần mức xử phạt.
Tương tự, gần 30km Đại lộ Thăng Long đã xuất hiện và tồn tại nhiều đống phế thải dọc hai bên đường gom, vừa cản trở giao thông vừa gây ô nhiễm môi trường, khiến công nhân của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Cầu Diễn thu dọn không xuể, quét được đoạn này thì đoạn khác lại ngổn ngang…
Vẫn nhiều cái khó
Trước thực trạng nêu trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 16-5-2017 về tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, các chủ đầu tư trước khi khởi công thi công xây dựng phải có trách nhiệm gửi thông báo đến chính quyền địa phương và đội thanh tra xây dựng. Ngoài các hồ sơ thông báo khởi công phải kèm theo hợp đồng ký kết với nhà thầu đủ điều kiện năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đúng nơi quy định và phải có bản cam kết bảo vệ môi trường.
Theo phân cấp của thành phố, các quận, huyện sẽ có trách nhiệm phối hợp với các xí nghiệp môi trường đô thị chịu trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh việc thiếu nhân lực, vật lực trong quá trình kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm thì việc thiếu các điểm trung chuyển, chậm triển khai quy hoạch xử lý chất thải rắn của thành phố là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đổ trộm tràn lan.
Ông Phạm Việt Cừ cho biết, tại các công trình xây dựng mới luôn có đủ hợp đồng vận chuyển phế thải. Số phế thải đổ trộm thường phát sinh ở các nhà dân sửa chữa, cải tạo thuộc đối tượng không phải xin phép xây dựng...
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố có 18 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có 6 khu đang hoạt động, 2 khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 10 khu đầu tư xây dựng mới. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa các dự án trên vào hoạt động.
Từ nay đến khi hoàn thiện hệ thống các trạm trung chuyển và xử lý phế thải, công tác tuyên truyền tới các chủ đầu tư xây dựng và nâng cao ý thức người dân trong bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường là điều cần được chú trọng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý mọi vi phạm để bảo đảm các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm trên thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.