Từng là “điểm nóng” đổ trộm đất, phế thải xây dựng ra khu vực bãi, lòng sông Hồng, nhưng với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, quận Tây Hồ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Nhờ vậy, đến nay, dọc bãi sông Hồng đoạn qua các phường: Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, cơ bản không còn những bãi phế thải đổ trộm tràn lan như trước. Để duy trì kết quả này, lực lượng chức năng của quận và các phường tiếp tục tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới.
Nỗ lực ngăn chặn
Khoảng từ năm 2022 trở về trước, dọc các tuyến đường, ngõ, ngách ra phía bãi sông Hồng qua địa phận quận Tây Hồ tồn tại nhiều bãi đất, phế thải xây dựng bị người dân đổ tràn lan, ảnh hưởng đến thoát lũ sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường.
Một trong những “điểm nóng” đổ phế thải xây dựng, rác thải thời điểm đó phải kể đến khu vực cuối ngõ 76 phố An Dương, thuộc địa phận 2 phường Yên Phụ và Tứ Liên. Lợi dụng đây là khu đất bãi, cuối ngõ, lại giáp ranh giữa 2 phường, có cầu đi sang bãi giữa sông Hồng nên các đối tượng đã lén lút đổ trộm đất, phế thải xây dựng.
Tương tự, trong khoảng thời gian kể trên, khu vực cuối ngõ 310 đường Nghi Tàm (lối đi ra khu vực bãi và lạch sông Hồng) thuộc địa phận phường Tứ Liên cũng biến thành nơi đổ trộm đất, phế thải xây dựng. Đáng nói, sau khi đổ, một số hộ đã san gạt để dựng lều lán, tập kết hàng hóa hoặc đặt chậu quất cảnh. Khu vực đất bãi, lòng sông Hồng thuộc phường Nhật Tân, Phú Thượng cũng bị nhiều đối tượng đổ trộm đất, phế thải xây dựng, dựng lều lán...
Ngày 16-7, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, các “điểm nóng” phế thải nêu trên cơ bản đã được xử lý. Cụ thể, ở cuối ngõ 310 đường Nghi Tàm, phế thải không còn đổ tràn lan như trước. Tại khu vực này, có một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng kết hợp tập kết tạm đất, phế thải xây dựng, sau đó vận chuyển đi nơi khác xử lý. Khu vực bãi, lòng sông ở cuối ngõ 76 phố An Dương, những đống phế thải cao như núi trước đây cũng đã được vận chuyển, xử lý.
Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có được kết quả như trên là do những năm gần đây, quận Tây Hồ đã chỉ đạo các ngành, UBND các phường triển khai lồng ghép nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để vi phạm. Cụ thể, trong năm 2023, cùng với việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý hàng chục trường hợp đổ trộm đất, phế thải trái phép ra khu vực bãi sông Hồng, các phường đã tổ chức vận chuyển 5.876m3 đất, phế thải đi xử lý; dựng 10 cột bê tông ngăn chặn các phương tiện đổ trộm phế thải; cắm biển hạn chế các loại ô tô tại nhiều tuyến đường khu vực ngoài đê và biển thông báo cấm đổ rác, phế thải tại khu vực đất công do UBND các phường quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ cũng đã vận chuyển gần 400m3 đất, phế thải xây dựng đi xử lý.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Mặc dù công tác ngăn chặn, xử lý nạn đổ trộm đất, phế thải xây dựng ra khu vực bãi sông, lòng sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ đạt kết quả khả quan, tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện UBND một số phường, Phòng Kinh tế quận, hiện vẫn còn khó khăn ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, xử lý vi phạm.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn, khó khăn nhất hiện nay là quận Tây Hồ có nhiều hộ gia đình xây, sửa nhà, lượng phế thải phát sinh lớn, song trên địa bàn chưa có bãi tập kết, xử lý phế thải xây dựng tập trung nên người dân vẫn cố tình đổ phế thải trái phép ra bãi, lòng sông. Khu vực đất bãi phần lớn đã giao cho người dân sản xuất nông nghiệp, nhiều người lợi dụng việc vận chuyển phân bón, đất màu phục vụ sản xuất để chở phế thải ra đổ trộm nên khó kiểm soát.
Về phía cơ sở, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Lê Hoài Nam cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đổ phế thải đúng nơi quy định, phường đã huy động lực lượng Công an phường, tự quản thực hiện tuần tra, duy trì trực chốt tại các điểm có nguy cơ đổ trộm phế thải, các cửa khẩu ra ngoài đê nhằm kiểm soát xe chở phế thải; tiến hành dựng các trụ bê tông chặn ở các ngõ, ngách ra bờ sông Hồng nhằm ngăn các phương tiện đổ trộm đất, phế thải; tiếp tục tiến hành thanh thải khối lượng phế thải còn tồn đọng…
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, nhằm tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn đổ trộm đất, phế thải xây dựng ra khu vực bãi, lòng sông Hồng, trong năm 2024, quận Tây Hồ chú trọng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, kiểm soát địa bàn không để phát sinh trường hợp đổ đất, chôn lấp rác thải, phế thải xây dựng tại khu vực bãi, lòng sông Hồng.
"UBND quận chỉ đạo UBND các phường, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng đổ trộm phế thải và dựng lều, lán trái phép; tăng cường tuyên truyền để các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực ký cam kết không đổ phế thải gây ảnh hưởng đến môi trường, cản trở việc thoát lũ của sông Hồng", ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.