Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trần lãi suất ở đâu?

Đức Anh| 02/03/2010 06:21

Cần có ngay biện pháp ngăn chặn cuộc đua lãi suất mới * Chi phí dịch vụ: Kẽ hở để ngân hàng lách luật (?)


Biện pháp khơi thông nguồn vốn

Mở rộng áp dụng lãi suất thỏa thuận có thể khiến lãi suất tăng nóng. Ảnh: Linh Tâm


Theo các chuyên gia, việc NHNN cho phép các TCTD áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung, dài hạn để SXKD, dịch vụ và đầu tư phát triển là biện pháp nhằm khơi thông dòng vốn và doanh nghiệp (DN) sẽ phải cân nhắc kỹ khi vay tiền của NH, lựa chọn những dự án thực sự khả thi. Ngoài ra, DN có thể tìm cách khác để huy động vốn thay vì đi vay như phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, với mức lãi suất đã đạt sát mức trần theo quy định, các NH khó có thể hút vốn từ người gửi. Vì thế, NHNN nới lỏng nút thắt lãi suất cho vay là điều dễ hiểu. Khi được phép mở rộng lãi suất cho vay, TCTD có thể cải thiện tính thanh khoản, đồng thời kinh doanh có lãi. Các chuyên gia cũng khẳng định, thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận cũng là bước để giúp cho nền kinh tế tiến dần tới tự do hóa lãi suất, giúp dòng vốn được vận hành thuận lợi, phù hợp với thị trường.

Ngân hàng cũng "lách" luật?

Với lãi suất cơ bản 8%/năm, trước đây các NH chỉ được áp dụng lãi suất cho vay là 12%/năm dành cho khách hàng. Với những khoản cho vay tiêu dùng chủ yếu dành cho khách hàng cá nhân như cho vay tín chấp, vay mua nhà, ô tô… được áp dụng lãi suất thỏa thuận tùy thuộc vào cung - cầu của NH và đối tượng khách hàng vay. Trên thực tế, lãi suất thỏa thuận với loại hình cho vay này đã lên tới 17-18%/năm, thậm chí hơn 19%/năm. Còn với DN, với những khoản vay cho SXKD trước đây phải áp dụng lãi suất cơ bản, tức là lãi suất cho vay tối đa là 12%/năm, trong khi lãi suất huy động được NH đồng loạt đẩy lên 10,499%/năm (theo quy định của NHNN, lãi suất huy động không được vượt quá 10,5%/năm) trước nhu cầu vốn quá cao vào thời điểm cuối năm và đầu năm. Song hầu như chẳng có NH nào thực hiện đúng quy định này, bởi nếu thực hiện đúng, NH khó có thể duy trì hoạt động có lãi. Do vậy, NH tìm cách "lách" luật, hợp thức hóa khoản thu không đúng theo quy định. Thay vì chỉ yêu cầu DN ký vào bản hợp đồng vay vốn, NH đề nghị DN phải chấp thuận mức lãi suất cộng thêm tối thiểu là 3%/năm, nhưng không có trên hợp đồng, với lý do là chi phí dịch vụ. Như vậy, lãi suất cho vay lên tới 15-16%, thậm chí có nơi đẩy lên 17-18%/năm. Theo một DN chuyên nhập khẩu thiết bị công nghiệp, vì không chấp nhận lãi suất quá cao, lại không được ghi vào hợp đồng, DN đã tìm cách huy động tiền từ CBCNV. Một DN dệt may cũng cho biết đã phải "gõ cửa" nhiều NH để tìm nguồn vốn, nhưng hầu hết NH đều có những điều khoản rất ngặt nghèo, cộng với lãi suất rất cao.

Tuy nhiên, khi NHNN ban hành thông tư mở rộng đối tượng áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay trung, dài hạn cho SXKD… đồng nghĩa với việc các khoản vay này không còn phải chịu trần lãi suất cơ bản. Điều này cũng có nghĩa những khoản lãi suất không đúng quy định đã được hợp thức hóa và NH không còn phải tìm cách "lách" trần lãi suất cơ bản như trước. Không ít DN lo lắng, thời gian tới lãi suất cho vay sẽ tăng vọt. Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc đua về lãi suất, kể cả huy động lẫn cho vay sẽ "nóng" trong những ngày tới. Với quyết định mở rộng đối tượng cho vay thỏa thuận của NHNN, có thể lãi suất huy động sẽ không chỉ dừng lại ở 10,499%/năm như đang áp dụng, mà sẽ lên cao và lãi suất cho vay chưa biết sẽ đạt mức đỉnh nào?! Lãi suất tăng cao khiến "đầu vào" của DN sản xuất bị đẩy lên, hàng hóa sẽ bị "đội giá"… Đây là nỗi lo chung của xã hội, mong ngành chức năng cần sớm vào cuộc để kiểm soát có hiệu quả giá các mặt hàng, không để diễn ra tình trạng lợi dụng tăng giá vô tội vạ.

Thông tư số 07 do NHNN ban hành (ngày 26-2), TCTD được áp dụng lãi suất thỏa thuận với:
- Cho vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu SXKD, dịch vụ và đầu tư phát triển.
- Cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để trực tiếp phục vụ đời sống của cá nhân và hộ gia đình, như cho vay để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng; cho vay để mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình, cho vay để chi phí cho hoạt động văn hóa thể thao, du lịch; cho vay theo phương thức thấu chi tài khoản cá nhân; cho vay thẻ tín dụng…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trần lãi suất ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.