Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăm tuổi vẫn chưa thành thương hiệu

Thanh Hoài| 24/04/2010 05:46

(HNM) - Sản phẩm mây giang đan (MGĐ) của xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) trải qua nhiều thăng trầm, nhưng người dân vẫn luôn say nghề với ý thức giữ gìn và phát triển.

Tốc độ tăng trưởng TTCN của xã bình quân đạt 24%/năm, tỷ trọng kinh tế TTCN - dịch vụ, thương mại chiếm hơn 73%. Tuy nhiên, điều mà người dân nơi đây mong mỏi là xây dựng sản phẩm MGĐ có thương hiệu Đông Phương Yên.

Sản xuất hàng mây giang đan tại làng nghề Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Huyền Linh


Tiềm năng làng nghề trăm tuổi
Là vùng đất đồi gò, bán sơn địa, nghề MGĐ của Đông Phương Yên đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tăng cho biết, nghề MGĐ ở đây có từ trăm năm nay, ban đầu chỉ làm những đồ dùng thông dụng hằng ngày như rổ, rá, thúng mẹt, nong... Với bản tính cần cù, người dân Đông Phương Yên luôn sáng tạo tìm tòi sản xuất từ nguyên liệu MGĐ tạo nên những sản phẩm có tính nghệ thuật cao, vừa trang trí, làm đẹp lại sử dụng tiện lợi. Nghề TTCN phát triển, cả xã có tới 90% số hộ làm nghề MGĐ (1.800 hộ/tổng số 2.035 hộ) với thu nhập ngày càng khá. Xác định rõ định hướng chiến lược trong phát triển ngành nghề, chính quyền xã luôn quan tâm tạo mọi điều kiện cho người dân làm nghề nên đến nay đã có 6/7 thôn được công nhận làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, lãnh đạo xã đã chú trọng khai thác thị trường, xúc tiến thương mại hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Sản phẩm luôn được đổi mới, đa dạng mẫu mã, chủng loại và đưa đi giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm. Qua các hội chợ, sản phẩm MGĐ Đông Phương Yên đã được tặng 2 huy chương vàng và 1 huy chương đồng. Năm 2009, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ của xã đạt 35 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 14 tỷ đồng. Với sự phát triển mạnh của nghề MGĐ, hiện nay toàn xã đã thành lập 10 công ty, doanh nghiệp và hình thành tới 30 chủ hộ đứng ra thu mua hàng của bà con trong vùng, hỗ trợ đắc lực cho ngành nghề phát triển, đồng thời đưa sản phẩm tới nhiều vùng, miền của đất nước và tiếp cận thị trường nước ngoài. Nghề thủ công nghiệp phát triển đã tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động địa phương và gần 2 vạn lao động "vệ tinh". Xã có hơn 70 thợ có tay nghề cao chuyên làm mẫu theo yêu cầu khách hàng. Từ thế mạnh của làng nghề, huyện Chương Mỹ đã triển khai trồng 30ha cây mây nếp tại vùng đất đồi gò của 2 xã Trần Phú, Nam Phương Tiến nhằm tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các hộ làm nghề.

Chưa tạo dựng thương hiệu
Tuy làng nghề MGĐ Đông Phương Yên có nhiều thế mạnh nhưng vẫn gặp một số khó khăn về thị trường tiêu thụ do chưa tạo dựng được thương hiệu. Mặc dù địa phương và một số chủ hàng đã tham gia hội chợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhưng sản phẩm vẫn chưa vươn xa, giá trị sản xuất TTCN chưa tương xứng nghề truyền thống. Ông Lê Tùng, chủ tổ hợp thu gom hàng MGĐ Đông Phương Yên cho biết, sản phẩm ở đây phục vụ xuất khẩu vẫn phải qua đơn vị trung gian, gắn nhãn mác của một cơ sở xuất khẩu khác, không được mang tên làng nghề, điều đó là thiệt thòi lớn cho nghề truyền thống của địa phương. Ông Nguyễn Văn Khanh (thôn Yên Kiện) phàn nàn, cơ sở sản xuất MGĐ của ông tạo việc làm cho 70 lao động của địa phương và có nhiều mẫu mã đẹp, nhưng hàng hóa xuất khẩu phải qua trung gian, lượng hàng hóa tiêu thụ chậm, lợi nhuận thu được không cao. Bên cạnh đó, việc giới thiệu sản phẩm tham gia hội chợ còn phức tạp, chi phí cao nên bà con chưa mặn mà trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu. Là một làng nghề lâu đời như Đông Phương Yên mà việc quảng bá giới thiệu sản phẩm vẫn chưa có website riêng, vẫn phải quảng cáo "nhờ" website của doanh nghiệp khác...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó phòng TTCN và Làng nghề, Sở Công thương thành phố Nguyễn Phương Thảo cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ cho các làng nghề khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp mở rộng giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đa dạng mẫu mã, đào tạo thợ giỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ xây dựng thương hiệu MGĐ Đông Phương Yên. Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên cho biết thêm, khu chợ làng nghề của xã đang được đẩy nhanh tiến độ để tạo mặt bằng thuận lợi cho hộ sản xuất mua bán nguyên vật liệu và tập kết sản phẩm, là nơi quảng bá giới thiệu để người làm nghề trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên đây mới là những yếu tố mang tính nội lực. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống Đông Phương Yên còn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn. Có như vậy mới nâng cao được giá trị xuất khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăm tuổi vẫn chưa thành thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.