Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trải nghiệm mới cho du khách

Yên Nga| 30/06/2017 06:41

(HNM) - Trong tháng 6, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức diễn vở


Nhu cầu có thật...

Tất bật để tổ chức cho đoàn gần 30 thành viên, phần lớn là người cao tuổi của Câu lạc bộ Hán Nôm thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên đến xem "Kiều", thầy giáo Lê Xuân Thủy không giấu sự háo hức muốn thấy áng thơ văn bất hủ được thể hiện trên sân khấu như thế nào. "Câu lạc bộ chúng tôi có hơn 100 người, ai cũng yêu "Truyện Kiều". Được xem tác phẩm chuyển thể trên sân khấu kịch, do nhà hát hàng đầu quốc gia thể hiện là mong mỏi của mọi người" - thầy giáo Lê Xuân Thủy chia sẻ.

Một cảnh trong vở “Kiều”.



"Kiều" là vở kịch được dàn dựng công phu và đồ sộ do NSND Anh Tú đạo diễn, chuyển thể từ kiệt tác "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm ra mắt công chúng cuối năm 2016 và được chọn là vở diễn đầu tiên để thực hiện dự án hợp tác giới thiệu sân khấu kịch đến với du khách giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Vietrantour. Có nhiều nghi ngại trong việc hợp tác này, bởi không ít rào cản nhìn thấy rõ. Thứ nhất, khác với nghệ thuật truyền thống có sức thu hút du khách lớn, nhất là người nước ngoài, kịch nói là hình thức nghệ thuật du nhập từ phương Tây, thể hiện chủ yếu bằng lời nói và diễn xuất tâm lý, chỉ riêng bất đồng ngôn ngữ đã là rào cản. Thứ hai, khoảng thời gian dừng chân của du khách với mỗi điểm đến thường ngắn, việc dành cả buổi để xem một vở kịch (như "Kiều") khiến nhiều người phải cân nhắc, nhất là người nước ngoài.

Tuy nhiên, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh có cách nhìn nhận khác: "Khách du lịch là một nguồn khán giả tiềm năng, thường xuyên thay đổi, đến từ nhiều địa phương, nhiều đất nước và luôn mong muốn khám phá những nét đặc sắc ở vùng đất mới. Chúng tôi muốn khai thác đối tượng này và thuận lợi nhất là thông qua các doanh nghiệp lữ hành". Đưa "Kiều" vào danh mục đầu tiên dành cho du khách là bởi Nhà hát Kịch Việt Nam hướng đến khán giả nước ngoài, những người luôn mong muốn được thưởng thức "Truyện Kiều" qua nhiều hình thức nghệ thuật. Nhân cơ hội du lịch đến Thủ đô, họ muốn xem. Đặc biệt, có người, vì biết ở Hà Nội có diễn tác phẩm này, họ chủ động du lịch để... được xem.

"Truyện Kiều" của Nguyễn Du cũng là tác phẩm hiếm hoi được dịch ra hàng chục thứ tiếng, bất cứ người nước ngoài nào yêu văn học Việt Nam đều biết đến những áng thơ văn này và hẳn nhiên tò mò muốn xem tác phẩm chuyển tải trên sân khấu ra sao?

Cần nhiều hơn những cái "bắt tay"

Cách đây vài năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức một hội nghị lớn giữa các nhà hát trực thuộc Bộ, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) và các doanh nghiệp lữ hành, kỳ vọng tạo nên sự hợp tác. Nhưng rồi "đầu voi đuôi chuột", không có giải pháp, phương án cụ thể, các đơn vị nghệ thuật và doanh nghiệp lữ hành đành đứng xa "vẫy tay chào".

Phần lớn các đơn vị nghệ thuật đều mong muốn đưa tác phẩm đến nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là khách du lịch nhưng có vẻ sự dấn thân chưa nhiều, hoạt động xúc tiến quá thưa vắng. Các doanh nghiệp lữ hành có những mối bận tâm khác, hoặc "xoáy" vào kết hợp với bộ môn dễ hút khách là nghệ thuật truyền thống. Song, việc khai thác và xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mới, nhất là du lịch kết hợp với nghệ thuật cũng có những lợi thế nhất định. Đầu tiên là việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sẽ níu kéo du khách lưu trú lâu hơn tại Thủ đô, hoặc hứa hẹn những lần trở lại tiếp theo để khám phá những điều đặc sắc khác. Hơn nữa, với những tác phẩm nghệ thuật lớn, được dàn dựng công phu như vở "Kiều", "Hamlet", xiếc "Làng tôi", show nghệ thuật công nghệ cao "Ionah"... việc tổ chức lưu diễn tại các địa phương rất khó khăn do điều kiện sân khấu không phù hợp. Trong khi, nhu cầu thưởng thức của công chúng không hề nhỏ. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp lữ hành khai thác.

Là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực du lịch, hiểu tâm lý du khách và mong muốn xây dựng những sản phẩm đặc sắc, Vietrantour đã chủ động tìm kiếm và "bắt tay" với Nhà hát Kịch Việt Nam. Hai bên đã có những cam kết như ưu tiên dành 60% vé xem kịch cho du khách và mọi khách hàng của doanh nghiệp này được tặng 30% giá vé xem kịch "Kiều". Ngay những buổi đầu hợp tác, lượng khán giả tăng đáng kể, trong đó, gần một nửa là khách của Vietrantour. Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ sắp xếp lịch diễn cố định cho du khách vào thứ sáu hằng tuần, xây dựng nhiều chương trình khác nhau, từ vở diễn đến những trích đoạn, rồi làm phụ đề, dịch thoại qua hệ thống tai nghe để du khách nước ngoài dễ dàng thưởng thức... Còn bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour cho biết, Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị thí điểm đầu tiên trong hành trình đưa du khách đến xem biểu diễn sân khấu kịch của công ty. Trong thời gian tới, Vietrantour tiếp tục đưa du khách đến những sân khấu kịch đặc sắc khác và cả loại hình sân khấu truyền thống lẫn hiện đại ở Thủ đô, nhằm tăng trải nghiệm cho du khách.

Thành công chỉ đến với những ai chịu dấn thân. Nếu như có nhiều hơn nữa những đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp lữ hành chủ động "bắt tay" nhau như thế, du lịch Thủ đô sẽ có nhiều màu vẻ và khởi sắc hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trải nghiệm mới cho du khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.