(HNMCT) - Cao tốc Karakoram là tuyến đường trải nhựa quốc tế cao nhất trên thế giới nằm ở độ cao 4.600m so với mực nước biển, chạy dọc theo dãy núi Karakoram hùng vĩ, rất hiểm trở, chênh vênh, dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét.
Người dân Pakistan gọi Karakoram là "kỳ quan thứ tám của nhân loại" vì con đường cao tốc này là một trong những dự án kỹ thuật táo bạo nhất mà con người từng nỗ lực thực hiện. Một cung đường mà bất cứ phượt thủ nào cũng ao ước chinh phục.
Kỳ quan xây dựng bằng sức mạnh con người
Cao tốc Karakoram dài 1.290km bắt đầu từ thủ đô Islamabad, kết nối các tỉnh Punjab, Khyber Pakhtunkhwa và Gilgit-Baltistan của đất nước Pakistan tới thành phố Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Tuyến đường huyền thoại này được hai chính phủ Trung Quốc và Pakistan khởi công xây dựng năm 1959 và hoàn thành 20 năm sau đó, vào năm 1979.
Để thi công tuyến đường này, hàng ngàn công nhân phải xẻ dọc các hẻm núi lởm chởm, nguy hiểm dọc theo dòng sông Indus. Phương tiện vận chuyển hiện đại không tới được, các kỹ sư đã phải tháo rời những chiếc xe ủi, chất các bộ phận lên lưng lừa và lắp ráp lại khi bắt đầu công việc san ủi. Quân đội Pakistan đã sử dụng máy bay trực thăng hạng nặng Mi-17 để vận chuyển xe ủi nhưng chuyến bay đầu tiên do cố gắng bay trong gió lớn và qua khe núi hẹp nên máy bay đã vướng phải vách đá, nổ tung và rơi xuống sông Indus khiến cả 9 người trên máy bay thiệt mạng. Có gần 1.000 công nhân Pakistan và 200 công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng, chủ yếu là do đá lở và ngã xuống vực sâu.
Cuộc sống bên cung đường cao tốc
Để khám phá trọn vẹn "kỳ quan thứ tám" này, tôi bắt đầu khởi hành từ Rawalpindi, cách thủ đô Islamabad 14km về hướng nam. Hành trình đi qua thị trấn Abbottabad - nơi trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt. Nơi đây cuộc sống vẫn diễn ra nhộn nhịp và thanh bình, tiếng cười nói mua bán lao xao cả khu chợ. Ông cụ râu nhuộm đỏ thân thiện mỉm cười khi tôi hỏi xin được chụp ảnh, các em bé vẫn ríu rít trên đường đi học về và tiếng cầu kinh an lành vọng ra từ vài chiếc loa ở nhà thờ. Dọc đường có rất nhiều quán trà phục vụ loại trà sữa Chai và bánh Nan truyền thống của người dân Pakistan.
Do nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở nên cao tốc Karakoram thường xuyên bị hư hỏng do sạt lở. Sau khi vượt qua một đoạn đường đang được tu sửa, tôi bắt đầu tiến vào Karimabad, trái tim của thung lũng Hunza - nơi được mệnh danh là thiên đường hạ giới. Khung cảnh nơi đây khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Pháo đài Baltit Fort hùng vĩ đẹp nao lòng dưới chân núi mùa thu, giữa rừng cây vàng lá đỏ và trong ráng chiều rực rỡ. Hàng trăm cây mơ cổ thụ vàng ruộm xen lẫn những bụi cây xanh, lá đỏ tạo nên một bức tranh ấn tượng. Những ngôi làng trù phú, nằm lọt thỏm trong thung lũng và được bao bọc bởi trùng trùng điệp điệp núi non. Dừng chân ở một ngôi làng nhỏ, tôi có cảm giác như đang lạc vào chốn thần tiên, chỉ muốn nằm trên thảm cỏ dưới những gốc cây mơ cổ thụ, tận hưởng mãi những giây phút bình yên, thoải mái.
Tiếp tục hành trình tới hồ Attabad và thị trấn Passu nổi tiếng với dãy núi huyền thoại Passu The Cathedral Ridge. Đây có lẽ là đoạn đường đẹp nhất trong cả tuyến cao tốc với những dãy núi nhọn hoắt ngạo nghễ in hình trên nền trời xanh thẳm. Ngày 4-1-2010, một vụ lở đất xảy ra tại ngôi làng Attabad đã chặn dòng chảy của sông Hunza và tạo nên hồ Attabad có chiều dài 21km và sâu hơn 100m. Passu chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng người dân rất thân thiện và hiếu khách, bạn sẽ được mời uống trà Chai khi đi qua bất cứ ngôi nhà nào trong làng.
Từ Passu chỉ đi thêm gần 100km nữa đã tới Sost - thị trấn cuối cùng trước khi có mặt ở cửa khẩu Khunjreab ở biên giới Pakistan và Trung Quốc. Sau khi làm thủ tục xuất cảnh Pakistan tôi sẽ tới trạm kiểm soát trên đèo Khunjrab và đi thêm 130km để tới trạm nhập cảnh vào Trung Quốc tại thị trấn Tashkurgan. Cao tốc Karakoram từ Tashkurgan tới Kashgar đường đẹp quanh co, đi qua bao nhiêu núi non, hồ nước xanh trong vắt. Cảnh vật hai bên tuy hoang vu và trơ trọi nhưng cực kỳ hùng vĩ. Đi trọn vẹn 1.290km của Karakoram, tôi đã rất may mắn khi được chiêm ngưỡng 4 dãy núi nổi tiếng là Nanga Parbat, Rakaposhi, Passu Cathedral và Mustagh Ata. Nanga Parbat là ngọn núi cao thứ 9 trên thế giới với độ cao 8.125m so với mực nước biển. Rakaposhi nằm trong dãy Karakoram, cao 7.788m so với mực nước biển, là núi cao thứ 27 trên thế giới và thứ 12 ở Pakistan. Rakaposhi có nghĩa là "Núi tuyết trắng" theo tiếng Pakistan. Dãy Passu Cones hay Passu Cathedral là một dãy các đỉnh núi cao hơn 6.000m và rặng núi Mustagh Ata cao 7.509m ở đất Trung Quốc.
Quả thực, qua bao nhiêu vực sâu, đèo cao, núi non hiểm trở, tôi mới hiểu vì sao người ta nói Karakoram là "kỳ quan thứ tám của nhân loại". Những ai đã đặt chân tới đây hẳn đều khâm phục những con người đã tạo nên con đường huyền thoại này để hôm nay người dân và du khách khắp nơi có thể đi lại dễ dàng và thuận tiện. Karakoram không chỉ là một con đường cao tốc, mà còn là một hành trình đầy thử thách, giàu chất văn hóa, lịch sử và thực sự đáng giá để mỗi người trải nghiệm một lần trong đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.