Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trại Davis, chuyện kể của người trong cuộc

Quảng Tân| 16/04/2020 06:38

(HNNN) - Đã 92 tuổi nhưng Đại tá Vũ Nam Bình (Năm Bình) tên thật là Nguyễn Văn Khả, quê ở thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) vẫn rất minh mẫn. Câu chuyện của cụ về 823 ngày đêm (từ ngày 28-1-1973 đến ngày 30-4-1975) trong Trại Davis góp thêm một góc nhìn cận cảnh, chân thực về quá trình đấu tranh ngoại giao quân sự ngay giữa lòng địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá Vũ Nam Bình (ảnh chụp tháng 3-2020).

“Pháo đài cách mạng trong lòng địch”

Công tác đặc biệt bắt đầu từ ngày 29-12-1972, khi Năm Bình đang là Phó phòng Bảo vệ - Quân pháp được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Bảo vệ an ninh của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, kiêm Phó Trưởng Tiểu ban trao trả tù binh ở Trại Davis. Cho đến giờ cụ Khả vẫn nhớ rành rọt từng chi tiết.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo Khoản d, Điều 16, Chương VI, 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cử đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 4 bên. Theo Điều 17, 2 bên miền Nam Việt Nam cử đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Nhiệm vụ của các Ban là bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự (ngừng bắn; rút quân Mỹ và chư hầu; hủy bỏ căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu; trao trả nhân viên quân sự, dân sự và tìm kiếm người mất tích...).

Trại Davis nằm trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), diện tích khoảng 33.000m2, có một số nhà chuyên dụng và 45 nhà ở kiểu nhà sàn gỗ, mái lợp phibroximăng. Hai phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt từ cuối tháng 1-1973. Các thành viên gồm cán bộ, chiến sĩ được chọn từ nhiều đơn vị, nhiều chiến trường để làm một nhiệm vụ hoàn toàn mới là đấu tranh ngoại giao quân sự, góp phần hoàn thành mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cụ Khả kể: Theo kế hoạch, sáng 28-1-1973, Mỹ đưa trực thăng tới sân bay Thiện Ngôn (ở phía Bắc Tây Ninh, do ta kiểm soát) đón đoàn của ta nhưng đúng giờ hẹn lại cho hai chiếc máy bay tới trút bom xuống điểm đón đoàn. Ta kịch liệt lên án hành động tráo trở của địch, buộc chúng phải cam kết đảm bảo an toàn cho phái đoàn ta vào Trại Davis. Nhưng sau đó, chúng lại nhiều lần vi phạm: Phục kích đánh đoàn ta ở Lâm Đồng; gây sự với đoàn ta ở Huế, Buôn Ma Thuột... Sau này, qua khai thác tù binh, ta biết địch từng lên kế hoạch xóa sổ 2 đoàn của ta vào ngày 28-4-1975 nhưng đã thất bại. 

Khi đã vào Trại Davis, đoàn ta đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ an ninh, nhanh chóng phát hiện thủ đoạn phá hoại của địch; khẩn trương tháo gỡ thiết bị điện tử mà địch cài cắm nhằm lấy bí mật của ta; bổ sung kế hoạch chủ động phòng ngừa và tấn công đánh bại chúng... Khi kể lại những chuyện này, cụ Khả cười sảng khoái, nhắc đi nhắc lại cụm từ “Pháo đài cách mạng trong lòng địch” khi nói về những ngày tháng cùng đồng đội đấu tranh với địch trong Trại Davis.

Trại Davis năm 1973.

Lá cờ chiến thắng đầu tiên trong ngày lịch sử sang trang

Cụ Khả khẳng định rằng mình và đồng đội đã vượt qua khó khăn, gian khổ bằng ý chí kiên cường và quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược. Sống, làm việc trong những ngôi nhà mà đồ dùng hoàn toàn bằng sắt, vào mùa nắng nóng nhiệt độ trong phòng rất cao, tiếng động cơ của hàng trăm lượt máy bay cất cánh suốt ngày đêm... thực sự là những thử thách mà chỉ những người bền gan, vững chí, có mục tiêu to lớn mới có thể vượt qua. 

Những nội dung rất quan trọng của Hiệp định Paris là chấm dứt chiến tranh - ngừng bắn, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, trao trả tù binh và tù dân sự của các bên. Phía ta xác định đấu tranh để các bên ngừng bắn là rất khó khăn vì Mỹ vẫn tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh hòng giữ miền Nam Việt Nam trong quỹ đạo thực dân mới. Họ cũng tìm cách dây dưa việc rút quân nhằm để lại một bộ phận quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam, tập trung lấy cho được tù binh Mỹ nhưng lại thờ ơ với việc quân ngụy gây khó khăn trong việc thả người của ta... Ta đã đấu tranh quyết liệt, chặn đứng mọi hành động phá hoại; giám sát chặt chẽ việc Mỹ rút quân. Đúng 10h ngày 29-3-1973, 2.501 lính Mỹ cất súng, im lặng bước qua đoàn giám sát. 16h30 (giờ Hà Nội), chuyến bay cuối cùng cất cánh, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Từ ngày 18-4-1975, khi quân ta liên tiếp giành chiến thắng trên chiến trường, phái đoàn của ta trong Trại Davis được lệnh chuyển hướng sang nhiệm vụ phục vụ cho giải phóng Sài Gòn, tiếp tục làm “hàn thử biểu” báo “thời tiết” chính trị, quân sự như ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy vẫn giữ nền nếp sinh hoạt bình thường nhưng ta đã bí mật chuẩn bị chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống.

Ngày 26-4-1975, quân ta đồng loạt tấn công địch trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Về quân sự, quân ta nổ súng tấn công trung tâm thành phố Sài Gòn. Về chính trị, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tuyên bố xóa bỏ chính quyền Sài Gòn. Về ngoại giao, Đại tá Võ Đông Giang, Phó Trưởng đoàn của ta công bố yêu cầu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đặt ra đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, khẳng định tất cả các điểm đều phải thực hiện; chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện...

Rạng sáng 29-4, quân ta tổng công kích vào trung tâm Sài Gòn; nhân dân miền Nam nhất tề nổi dậy. Trong ngày, có 3 đoàn của ngụy quyền Sài Gòn đến xin gặp đoàn ta để thăm dò, thương lượng, xin bàn giao chính quyền... Đại tá Võ Đông Giang khẳng định với họ rằng, hãy nói với Tổng thống ngụy Dương Văn Minh là phải đầu hàng bởi không còn gì để thương lượng nữa. 

Khoảng 9h30 ngày 30-4-1975, một đơn vị Quân giải phóng đến Trại Davis, gặp gỡ đội quân của ta ém sẵn bên trong. Cùng lúc đó, đồng chí Phạm Văn Lãi, cán bộ của Cục Chính trị miền, được lệnh cắm lá cờ cách mạng lên đỉnh tháp nước, nơi cao nhất của Trại. Đó là lá cờ chiến thắng đầu tiên tung bay tại trung tâm Sài Gòn trong ngày lịch sử đất nước sang trang mới. Đúng 10h45, xe tăng ta tiến vào Dinh Độc lập. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11h30, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu giờ toàn thắng của dân tộc Việt Nam. Đêm đó là đêm không ngủ của phái đoàn ta trong Trại Davis vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau hơn 2 năm trời kiên định đấu tranh trực diện, công khai với Mỹ, ngụy.

Lần giở ghi chép và hồi ức, cụ Khả cho biết: Quân ủy, Bộ Quốc phòng đánh giá: “Đây là một đơn vị đặc biệt, làm nhiệm vụ đặc biệt trên mặt trận ngoại giao quân sự của ta đấu tranh thi hành Hiệp định Paris ở giữa vùng địch kiểm soát...” (trích Tờ trình số 1597/TTr-BQP ngày 30-6-2011 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ). Đó là phần thưởng xứng đáng cho những người tham gia đấu tranh ngoại giao quân sự trong 823 ngày đêm của phái đoàn ta ngày ấy - “Cánh quân thứ 6” bên cạnh 5 cánh quân chủ lực.

“Trong thế trận chung to lớn mà ta đã hình thành bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, các đồng chí của ta ở Tân Sơn Nhất cũng có thế riêng của mình, thế đứng công khai, hiên ngang giữa lòng địch. Thế đứng đó không những tiêu biểu cho cách mạng, cho đại nghĩa về mặt chính trị mà còn giúp cho Đảng hiểu được thêm lòng dân đối với sự nghiệp giải phóng và hiểu kẻ thù trước những ngày chúng giãy chết” (Đại tướng Văn Tiến Dũng, tr.215, Đại thắng mùa xuân, NXB Quân đội nhân dân, 1976).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trại Davis, chuyện kể của người trong cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.