Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của Công đoàn

Linh Nhi| 04/12/2010 07:37

(HNM) - Cả nước có khoảng 250.000 doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước và hơn 2.200 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại các DN khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm khoảng 67,5%. CNLĐ làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 12,5% tổng số CNLĐ cả nước.

Tỷ lệ CNLĐ "biết rõ" các Luật Công đoàn, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội và Luật Y tế chỉ chiếm dưới 10%. Những con số trên cho thấy, việc nâng cao kiến thức pháp luật cho CNLĐ hiện đang là vấn đề bức thiết, đồng thời cũng là thách thức đối với tổ chức Công đoàn (CĐ).

Công ty Liên doanh Đức Việt là một trong những đơn vị có tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả. Ảnh: Linh Tâm


Đa dạng các biện pháp đưa pháp luật tới người lao động

Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật (TTGDPBPL) giai đoạn 2009-2012, việc TTGDPBPL cho CNLĐ ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đã được đổi mới, sáng tạo bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như "sân khấu hóa" tuyên truyền, tạo sân chơi hào hứng, khích lệ CNLĐ tham gia.

Bà Nguyễn Thị Láng, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Hải Dương nêu kinh nghiệm: Công tác TTGDPBPL trong DN thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thường được CNLĐ và giới chủ quan tâm hơn là tuyên truyền "chay". Tỉnh Tuyên Quang có 802 DN với hơn 41.000 CNLĐ, hầu hết trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh tập trung vào biện pháp tuyên truyền trực tiếp và coi trọng giám sát thực hiện tại cơ sở. Đã 7 năm nay, Hải Phòng có "sân chơi truyền hình CNVC-LĐ với pháp luật", duy trì mỗi tháng 2 kỳ.

Bà Vũ Thị Hương, Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội cho biết, Trung tâm đang thực hiện mô hình thí điểm tư vấn nhóm, theo đó mỗi DN lựa chọn 1 cán bộ nhân sự, 1 cán bộ CĐ và 1 CNLĐ có khả năng truyền đạt tốt để đưa đi đào tạo, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ tư vấn pháp luật. Cán bộ này sẽ phục vụ chính DN đó, giúp tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người lao động và ngăn chặn, giải quyết triệt để mâu thuẫn ngay trong DN.

Thực tế trên cho thấy, công tác TTGDPBPL cho CNLĐ đã và đang ngày càng được các cấp CĐ nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, trái ngược với sự tích cực đó là tỷ lệ CNLĐ "đói" kiến thức pháp luật vẫn ở mức cao.

Cần phá bỏ  "rào cản"

Bà Phạm Thị Kim Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai chia sẻ, công tác TTGDPBPL, đặc biệt là Luật Lao động cho công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn, "rào cản" chủ yếu là nhận thức của cả DN và công nhân đều thấp. Tương tự, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh nêu, việc TTGDPBPL cho CNVCLĐ, đặc biệt là CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước "vấp" phải nhiều khó khăn, cả về cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện tiếp cận với CNLĐ. Bởi thực tế DN không "mặn mà" với việc để CNLĐ nắm bắt pháp luật. Trong khi đó tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể ngày càng diễn biến phức tạp...

Phân tích nguyên nhân hạn chế của công tác TTGDPBPL cho CNLĐ thời gian qua, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, phần lớn công nhân đến từ nông thôn, là lao động phổ thông, trình độ văn hóa, tay nghề thấp và hầu hết chưa qua các khóa học đào tạo bài bản nên tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, văn hóa ứng xử còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc làm, thu nhập của họ còn rất khó khăn trong khi giá cả leo thang; điều kiện an toàn, vệ sinh lao động không bảo đảm dẫn đến nhiều bức xúc. Thậm chí, đến nay có gần 40% CNLĐ chưa được tham gia BHXH bắt buộc, trong đó CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 60%. Tình trạng trên  phần nào lý giải vì sao số vụ đình công liên tục tăng, chủ yếu ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (hơn 80%).

Về giải pháp nâng cao hiệu quả TTGDPBPL cho CNLĐ, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Thanh cho biết, Tổng Liên đoàn đã xây dựng đề án về lĩnh vực này. Mục tiêu chung là: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các DN, phấn đấu đến hết năm 2012, 95% số NSDLĐ được TTGDPBPL Luật Lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của DN và 70% số NLĐ được GDPLTTPB Luật Lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và NLĐ. Tổng Liên đoàn đang soạn thảo xây dựng bộ tài liệu gồm 4 cuốn sổ tay pháp luật khổ nhỏ bỏ túi và 12 mẫu tờ gấp về Luật Lao động, Luật CĐ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Các nội dung tuyên truyền được lấy ý kiến thẩm định và đóng góp của các cấp CĐ, các vụ, bộ, cơ quan chức năng. Trước mắt, Tổng Liên đoàn đã phát hành được 15.000 cuốn sổ tay các loại và 15.000 tờ gấp, chủ yếu cung cấp cho 13 tỉnh trọng điểm có đông CNLĐ khu vực dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng TTGDPBPL tại cơ sở và hiệu quả của bộ tài liệu tuyên truyền trong thực tế, để có nghiên cứu đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng các lớp tập huấn cho cán bộ CĐCS phù hợp với từng loại hình DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của Công đoàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.