Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Đặng Loan| 30/06/2010 06:01

(HNM) - Người dân ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, nơi Nhà máy Xử lý chất thải rắn đô thị Vietstar hoạt động đang hết sức khốn khổ vì ô nhiễm do nhà máy này gây ra.

Nhà máy Xử lý chất thải rắn Vietstar gây ô nhiễm cho người dân.


Hiện đại và… ô nhiễm!
Nhà máy Xử lý rác Vietstar được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007, có tổng vốn đầu tư gần 64 triệu USD. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Vietstar sẽ điều hành trong thời gian 30 năm, sau đó chuyển giao nhà máy cho Sở TN&MT. Từ ngày 1-4-2010, nhà máy bắt đầu tiếp nhận 400 tấn rác mỗi ngày để phân loại, xử lý và sản xuất phân compost; và từ ngày 1-5, lượng rác tiếp nhận mỗi ngày là 500 tấn. Theo Vietstar, công suất nhà máy sẽ tăng lên 1.200 tấn/ngày vào tháng 9 tới.

Khi bắt đầu đi vào hoạt động, ngày 29-4-2010, Công ty Vietstar đã gửi văn bản lên UBND TP và Sở TN&MT đề nghị tăng phí xử lý rác từ 5 USD/tấn lên 18,21 USD/tấn. Về mức giá tăng đến hơn 360% so với ban đầu, Vietstar cho biết mức phí 5 USD/tấn trong Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thỏa thuận sơ bộ ký với UBND TP năm 2004 là mức ưu đãi cho thị trường Việt Nam. Hiện do giá cả nhân công, vật liệu đều tăng cao nên giá xử lý rác cần được điều chỉnh. Theo đó, chi phí thực tế cho hạng mục đầu tư và vận hành của nhà máy là 36,43 USD/tấn, giá 18,21 USD/tấn là chỉ một nửa chi phí này.

Cũng trong văn bản đề xuất tăng giá phí xử lý rác, bà Poldi Gerard, Chủ tịch HĐQT, quyền Tổng Giám đốc của Công ty Vietstar khẳng định, Vietstar là nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á: "Chúng tôi bảo vệ môi trường và tự hào về trạm xử lý nước thải lớn và hiện đại của nhà máy. Chúng tôi đã áp dụng phương pháp tốt nhất cho công tác kiểm soát mùi. Chúng tôi trân trọng kính mời quý cơ quan đến tham quan thực tế để kiểm tra và xác nhận rằng không có bất cứ mùi hôi nào bốc ra từ nhà máy"!

Thực tế hoàn toàn ngược lại! Nhiều tháng nay người dân ở ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ vô cùng khổ sở. Mùi hôi và ruồi do ô nhiễm từ nhà máy "tấn công" vào nhà dân, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi này. Nguy hiểm hơn, nhiều kênh đào thoát nước mưa của nhà máy đã… xả thẳng vào kênh 17 và 18, vốn là nguồn nước tưới của người dân ở đây. Chịu không nổi bà con phải làm đơn "kêu cứu" lên TP.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý?
Sau khi nhận đơn khiếu nại của UBND huyện Củ Chi, Sở TN&MT đã đến kiểm tra và xác nhận những phản ánh của người dân về ô nhiễm mà nhà máy gây ra là đúng. Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu môi trường về nước thải, khí thải, mùi hôi tại Nhà máy Vietstar do Phòng Tài nguyên huyện Củ Chi kết hợp với Công ty Sắc Ký Hải Đăng và Công ty Thẩm định môi trường Vinacontrol thực hiện cũng cho thấy các chỉ tiêu về nước thải công nghiệp, mùi hôi trong không khí như H2S, NH3 đều vượt quy chuẩn cho phép từ 2 đến 6,78 lần.

Bà Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho biết, trong hai lần đối thoại với người dân, Vietstar đều hứa sẽ khắc phục, nhưng chỉ hứa "trong thời gian sớm nhất" chứ không có thời gian cụ thể nên cũng không biết đến khi nào mới hết ô nhiễm. Hiện mùi hôi có giảm hơn trước, nhưng vẫn còn trầm trọng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu HĐND TP cho rằng, trách nhiệm trước nhất là của Sở TN&MT. Khi cấp phép cho doanh nghiệp, nhất là những dự án liên quan đến môi trường, dân sinh thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giám sát, không thể để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Trong khi đó, khi người dân chịu hết xiết, phải viết đơn kêu cứu thì Sở TN&MT mới đến kiểm tra và… gấp rút hoàn thiện quy trình giám sát chất lượng vệ sinh của Vietstar (!?). Lẽ ra Sở TN&MT phải kiên quyết xử lý chứ không phải để người dân phải khổ sở "đôi co" với doanh nghiệp. "Vietstar không phải là trường hợp đầu tiên, mà đã có hàng loạt hệ lụy xảy ra, gây khổ sở cho người dân vì sự lơ là quản lý, giám sát của cơ quan chức năng như bãi rác Đa Phước, vụ Vedan…".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.