(HNM) - Đã từ lâu, việc hoàn trả mặt đường cẩu thả sau khi đào vỉa hè, lòng đường để thi công các công trình ngầm ở Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc với người dân. Tình trạng “đào lâu, lấp ẩu” diễn ra phổ biến trên diện rộng ở khu vực nội thành và lặp đi lặp lại, nhưng chưa có biện pháp để ngăn chặn và xử lý hiệu quả.
Hậu quả là, nhiều tuyến phố ở Thủ đô sau khi hạ ngầm đường dây, công trình ngầm đô thị... đã bị biến dạng với những vết "sẹo" dọc, ngang. Thậm chí, ngay cả khi đang thi công, nhiều đơn vị không có biển báo hiệu, rào chắn, phế thải đổ bừa bãi, tiến độ ì ạch... đã gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường.
Về mặt pháp luật, quy định thi công công trình xây dựng, cải tạo sắp xếp đường dây, cáp đi nổi được ghi khá đầy đủ tại những văn bản như: Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 7-4-2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị; Quyết định 56/2009/QĐ-UBND ngày 27-3-2009 của UBND thành phố Hà Nội, ban hành quy định về quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội... Trong đó quy định rõ: Nhà thầu khi tổ chức thi công hạ ngầm phải bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ của công trình; việc thiết kế, xây dựng, cải tạo sắp xếp và hạ ngầm các đường dây, cáp nổi trên đường phố phải đáp ứng yêu cầu an toàn cho người, công trình, công trình lân cận và an toàn chung cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan...
Ngoài ra, trong giấy phép đào hè, đường, cũng quy định cụ thể việc giữ vệ sinh môi trường, xử lý phế thải xây dựng và hoàn trả mặt đường... phải đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định này không được đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc, chủ đầu tư xem nhẹ, còn cơ quan quản lý nhà nước lại chưa làm tròn trách nhiệm.
Nói vậy để thấy, chữa “căn bệnh” cẩu thả trong hoàn trả mặt đường, đã đến lúc không thể nói trách nhiệm chung chung, mà phải cụ thể. Đồng thời, chế tài phải rõ, có tính khả thi.
Theo quy định, Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải; Công an thành phố; UBND các cấp... đều có trách nhiệm riêng theo thẩm quyền và trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác trong việc kiểm tra, giám sát đơn vị thi công hạ ngầm và hoàn trả mặt đường. Do đó, những tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành phải bị xem xét, kỷ luật... để không ai dám đùn đẩy, né việc.
Để tăng sức mạnh cho hoạt động kiểm tra, giám sát thì việc xử phạt nghiêm vi phạm cũng phải được thực hiện đồng thời. Cũng từ công tác giám sát đó, các cơ quan chức năng phải “bịt” được kẽ hở, tìm giải pháp hữu hiệu ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư với đơn vị thi công. Trong đó, giải pháp buộc chủ đầu tư nộp một khoản bảo lãnh là đề xuất có tính hiệu quả, khả thi, rất cần được xem xét, chuẩn hóa để sớm thực hiện.
Và để tăng tính giám sát trong cộng đồng, chính quyền sở tại, nơi có vị trí hạ ngầm cần công khai giấy phép thi công. Việc này sẽ giúp người dân sống trong khu vực nắm rõ nội dung cấp phép, từ đó cùng tham gia giám sát, phát hiện vi phạm kịp thời...
Về tính tổng thể, để tránh chồng chéo và hạn chế thấp nhất hoạt động đào hè, đường, việc hạ ngầm cần thực hiện đồng bộ. Muốn vậy, việc quy hoạch các hạng mục ngầm cần có tầm nhìn xa, bao quát; hoạt động hạ ngầm phải được khảo sát, xây dựng lộ trình cụ thể với sự thống nhất của các đơn vị liên quan.
Vỉa hè, lòng đường phục vụ cộng đồng, nhưng không vì thế mà không rõ trách nhiệm của mỗi bên. Chỉ bằng cơ chế quy rõ trách nhiệm, áp dụng chế tài có tính khả thi thì mới hết những con đường chằng chịt vết "sẹo" khi thi công các công trình ngầm và hoàn trả mặt đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.