Nông nghiệp - Nông thôn

Trạch Mỹ Lộc - miền quê cách mạng

Nguyễn Mai 03/09/2023 - 07:10

Trạch Mỹ Lộc là cái nôi của phong trào cách mạng, nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Phúc Thọ. Ngày nay, Trạch Mỹ Lộc tiếp tục bứt phá trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

trach-my-loc-3.jpeg
Thôn Thuần Mỹ (xã Trạch Mỹ Lộc) lưu giữ nhiều di tích gắn liền với trang sử hào hùng của quê hương.

Nằm trong vùng bán sơn địa, xã Trạch Mỹ Lộc là vùng quê có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao trong các triều đại phong kiến. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Trạch Mỹ Lộc là cái nôi của phong trào cách mạng, nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Phúc Thọ; nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cao cấp của Trung ương... Ngày nay, Trạch Mỹ Lộc tiếp tục bứt phá trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Vùng quê bất khuất, kiên trung

Trở lại Trạch Mỹ Lộc những ngày thu Tháng Tám, cùng Bí thư Đoàn thanh niên xã Khuất Đình Đức thăm miếu Thuần Mỹ - Nhà truyền thống xã Trạch Mỹ Lộc, chúng tôi được nghe giới thiệu những trang sử hào hùng, được nhìn ngắm rất nhiều hiện vật quý về những tháng năm sục sôi cách mạng ở địa phương.

Theo lời giới thiệu của anh Khuất Đình Đức, chính tại ngôi miếu này, năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phúc Thọ đã ra đời lãnh đạo phong trào cách mạng của địa phương. Đây cũng là quê hương của đồng chí Khuất Duy Tiến - nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính thành phố Hà Nội và em gái là bà Khuất Thị Bảy (sau này là phu nhân nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt), cũng là 1 trong 3 đảng viên đầu tiên của xã Trạch Mỹ Lộc.

Cũng tại mảnh đất này, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương như: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Phan Trọng Tuệ, Lê Hiến Mai... đã được nhân dân nuôi giấu, che chở trong thời gian hoạt động cách mạng.

“Hiện nay, Nhà truyền thống lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là trong thời gian lãnh đạo Đảng, Nhà nước về hoạt động tại địa phương, trong đó có chiếc va li bằng mây của bác Tôn Đức Thắng dùng để đựng tài liệu thời kỳ hoạt động cách mạng ở Trạch Mỹ Lộc”, anh Khuất Đình Đức xúc động nói.

trach-my-loc-2.jpg
Nhiều hiện vật, hình ảnh của "quê hương cách mạng" được trưng bày tại miếu Thuần Mỹ - Nhà truyền thống xã Trạch Mỹ Lộc.

Lần theo những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc Hoàng Văn Độ cho biết: Từ những năm 1936-1939, đồng chí Khuất Duy Tiến đã tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng và con đường đấu tranh của Đảng cho nhiều thanh niên tiến bộ ở thôn Thuần Mỹ.

Cũng từ năm 1939, đồng chí Phan Trọng Tuệ - Bí thư Chi bộ Đa Phúc (Sài Sơn - Quốc Oai) đã trực tiếp về Thuần Mỹ tuyên truyền và xây dựng tổ chức cách mạng. Nhờ hoạt động tích cực của đồng chí Khuất Duy Tiến trước đó, công tác xây dựng cơ sở cách mạng tại Thuần Mỹ có nhiều thuận lợi.

Giữa tháng 9-1940, Chi bộ Thuần Mỹ được thành lập gồm các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Huy Phường, Khuất Thị Bảy do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Đây là Chi bộ đầu tiên được thành lập ở huyện Tùng Thiện (cũ), nay thuộc huyện Phúc Thọ và là Chi bộ thứ hai được thành lập của tỉnh Sơn Tây (cũ).

Tháng 5-1945, Trạch Mỹ Lộc là 1 trong 2 địa bàn được tỉnh Sơn Tây thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do đồng chí Khuất Duy Tiến (bí danh là Minh Tranh) làm Chủ tịch. Ủy ban Dân tộc giải phóng đã vận động, tập hợp quần chúng nhân dân nhiều nơi, như: Tường Phiêu, Gia Hòa, Kiều Trung, Cẩm Bào, Yên Lỗ… về miếu Thuần Mỹ dự mít tinh với nội dung: Không nộp thuế cho Nhật, không đi lính, đi phu; phát động phong trào đánh Nhật và bè lũ tay sai, giành độc lập dân tộc.

Đến đầu tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự tỉnh Sơn Tây và Mặt trận Việt Minh, nhân dân trong huyện đã nổi dậy giành chính quyền thành công.

Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, xã Trạch Mỹ Lộc vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Làng Thuần Mỹ và gia đình cụ Khuất Duy Tiết (xã Trạch Mỹ Lộc) được Chính phủ tặng “Bằng có công với nước”.

Tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp

Phát huy truyền thống Anh hùng, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trạch Mỹ Lộc tiếp tục công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, từ giai đoạn 2011-2025, Trạch Mỹ Lộc đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng nông thôn ngày một khang trang.

Năm 2015, Trạch Mỹ Lộc được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, về đích trước một năm so với kế hoạch. Hiện nay, Trạch Mỹ Lộc là 1 trong 8 xã của huyện Phúc Thọ thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

trach-my-loc-1.jpg
Trạch Mỹ Lộc đang xây dựng thương hiệu "Gạo sông Tích" để nâng cao giá trị cho nông sản.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc Hoàng Văn Độ: Toàn xã có gần 290ha sản xuất nông nghiệp, trong đó, 77,5% diện tích trồng lúa. Với cây trồng chủ đạo này, xã đã chuyển đổi sang các giống chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như dùng phân bón nano và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiến tới, xã xây dựng thương hiệu “Gạo sông Tích” để nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Xã cũng có 40 dự án kinh tế được UBND huyện phê duyệt đi vào sản xuất hiệu quả như chăn nuôi lợn, gà, chim bồ câu, ếch… Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 64 triệu đồng/người/năm.

Trạch Mỹ Lộc hôm nay đang ngày một giàu đẹp. Hiện, các tuyến giao thông trục xã, liên xã; trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm… của xã đã được bê tông sạch đẹp; trường học 3 cấp của Trạch Mỹ Lộc đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 4/5 thôn của xã có nhà văn hóa khang trang. Riêng thôn Thạch Lôi chưa có nhà văn hóa, xã đang có kế hoạch đầu tư xây dựng.

Tuy có nhiều đổi thay nhưng chính quyền và nhân dân nơi đây vẫn còn trăn trở, đó là miếu Thuần Mỹ - Nhà truyền thống của xã đã xuống cấp nghiêm trọng. “Miếu Thuần Mỹ vừa là công trình tín ngưỡng, vừa là Nhà truyền thống - nơi lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật quý; là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương. Công trình đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Do được trùng tu, tôn tạo đã lâu (từ khoảng năm 1990) nên đến nay xuống cấp nghiêm trọng: Mái võng, ngói xô lệch, các cấu kiện gỗ bị mối mọt… Địa phương mong được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm sớm trùng tu, tôn tạo để nơi đây phát huy giá trị “Địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc Hoàng Văn Độ bày tỏ.

Dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, xã Trạch Mỹ Lộc đã phân công đoàn viên, thanh niên, học sinh tập trung vệ sinh khuôn viên miếu Thuần Mỹ. Dự kiến, đầu năm học mới 2023-2024, sẽ tổ chức cho các lớp học sinh trên địa bàn tham quan, tìm hiểu về lịch sử văn hóa của địa phương nhằm khơi dậy tình yêu, lòng tự hào quê hương Trạch Mỹ Lộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạch Mỹ Lộc - miền quê cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.