(HNM) - Xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) nằm trên vùng đất bán sơn địa với những đặc trưng văn hóa Xứ Đoài. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Trạch Mỹ Lộc đã có những nông dân kiên trung, bất chấp nguy hiểm, gian khổ nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng gây dựng cơ sở kháng chiến. Ngày nay, làng quê cách mạng này lại đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện.
Xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) đã bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Ảnh: Bá Hoạt |
Dù không được sống trong không khí hào hùng của năm xưa nhưng Bí thư Chi bộ thôn Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, Nguyễn Văn Dưỡng, nắm chắc lịch sử cách mạng kháng chiến vẻ vang của quê hương do được lớp người đi trước truyền lại. Trong niềm tự hào xen lẫn sự xúc động, ông Dưỡng đã nhiều lần nhắc đến người con ưu tú của làng - chiến sĩ cộng sản Khuất Duy Tiến. Ông cho biết: Năm 1936 sau khi được ra tù, đồng chí Khuất Duy Tiến bị đưa về địa phương quản thúc. Đây là thời điểm mà người chiến sĩ cộng sản Khuất Duy Tiến tăng cường tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho thanh niên làng Thuần Mỹ nói riêng và xã Trạch Mỹ Lộc nói chung.
Từ những "hạt giống đỏ" do ông "gieo trồng", tháng 5-1940, tổ thanh niên phản đế Thuần Mỹ gồm 7 người được thành lập. Dần dần, phong trào cách mạng đã lan rộng ra các làng: Bách Lộc, Tuy Lộc, Trạch Lôi, Phụng Thượng… Ngày 1-9-1940, Chi bộ Đảng xã Trạch Mỹ Lộc được thành lập với 3 đảng viên. Đây là chi bộ đầu tiên của huyện Tùng Thiện (cũ) và chi bộ thứ hai của tỉnh Sơn Tây (cũ). Đến năm 1946, phong trào cách mạng của xã Trạch Mỹ Lộc đã phát triển mạnh, Chính phủ cử cụ Tôn Đức Thắng về ở làng Thuần Mỹ để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Sơn Tây…
Với những đóng góp cho cách mạng, Thuần Mỹ đã được Chính phủ công nhận là làng có công với nước. Bà Nguyễn Thị Thìn, dù đã 82 tuổi nhưng ký ức về những ngày kháng chiến chống Pháp vẫn in đậm trong tâm trí. Bà kể: “Trong một lần hoạt động cách mạng bị lộ, cả hai vợ chồng đều bị địch bắt. Giặc Pháp đã về nhà mẹ đẻ tôi để dò la thông tin, chúng gặp mẹ tôi ở nhà và treo ngược bà lên cột nhà đánh đập đến ngất xỉu. Tưởng mẹ tôi chết chúng mới bỏ đi. Được bà con trong thôn đến cứu, mẹ tôi đã thoát chết và sống đến gần 100 tuổi”. Với lão thành cách mạng Nguyễn Thị Phấn, 94 tuổi, chiến tranh đã lấy đi của bà người chồng yêu dấu, người đồng chí kiên trung khi cả hai còn rất trẻ. Thế nhưng, bà đã biến đau thương thành hành động cách mạng, kiên cường cùng đồng đội, bà con địa phương bất chấp sự khủng bố và rình mò của địch để hoạt động…
71 năm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làng Thuần Mỹ và cả xã Trạch Mỹ Lộc hôm nay đã "thay da đổi thịt". Những người con kiên trung theo Đảng năm xưa của Trạch Mỹ Lộc lại đang cùng con cháu góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nằm bên trục giao thông quan trọng của thành phố - quốc lộ 32, Trạch Mỹ Lộc có nhiều cơ hội giao lưu, buôn bán để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài ra, tận dụng lợi thế của địa phương, lãnh đạo xã đã định hướng cơ cấu lại diện tích sản xuất các loại cây trồng phù hợp với đồng ruộng, đầu tư mạng lưới giao thông nội đồng, nâng cấp, cứng hóa hệ thống kênh mương tưới tiêu. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Từ 3 đảng viên đầu tiên, nay Đảng bộ xã Trạch Mỹ Lộc đã có 271 đảng viên. Bí thư Đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc Khuất Duy Kim cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của xã trong giai đoạn này nên Đảng ủy đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; xây dựng Đề án quy hoạch phát triển nông thôn đến năm 2030 và quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, lập đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó xác định mục tiêu quan trọng nhất là dồn điền đổi thửa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Năm 2015, Trạch Mỹ Lộc đã được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, về đích trước một năm so với kế hoạch đề ra.
Giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương luôn được lãnh đạo xã xác định là nguồn lực vô giá để phát triển địa phương hôm nay và mai sau, nên luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chị Đào Thị Tình, công chức văn hóa xã cho biết: Nhiều năm nay, nhà truyền thống của xã - nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là trong thời gian lãnh đạo Đảng, Nhà nước về hoạt động tại địa phương luôn rộng mở để đón khách đến tham quan và giáo dục thế hệ trẻ. Nhiều cháu học sinh đã rất thích thú khi được đến thăm nhà truyền thống, đó là niềm tự hào để chúng tôi phấn đấu hơn nữa nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mặc cho sự ồn ào, tấp nập của cuộc sống hiện đại bên ngoài, về Trạch Mỹ Lộc hôm nay, được nghe kể về tấm lòng kiên trung, anh dũng của những người con rất đỗi bình dị đã tạo cho khách phương xa những ấn tượng khó phai. Truyền thống quý báu đó sẽ mãi là điểm tựa vững chắc để các thế hệ người dân Trạch Mỹ Lộc vững bước trên con đường phát triển…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.