Chỉ riêng tháng 7-2024, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Ngày 13-8, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong tháng 7, các Đội Quản lý thị trường đã xử lý 344 vụ, thu nộp ngân sách hơn 9,2 tỷ đồng; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 1 vụ có dấu hiệu phạm tội buôn lậu, trị giá tang vật khoảng 3,5 tỷ đồng và 1 vụ chuyển trả, để xử lý hành chính.
Lực lượng Quản lý thị trường tham gia các Đoàn liên ngành của thành phố và quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã kiểm tra 186 vụ, có 16 vụ vi phạm.
Đồng thời, các Đội Quản lý thị trường tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) từ đó đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm về các hành vi như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm. Các nguồn hàng hóa di chuyển vào thành phố được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại,... Trong đó, nổi cộm là phục vụ hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử.
Theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, kết quả kiểm tra, xử lý 1.118 vụ, đã tạm giữ 16.669 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, dụng cụ y tế, thực phẩm, giày dép, thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, thiết bị điện… Tổng trị giá hơn 4,3 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 58,9 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.