Giao thông

Để xe buýt là lựa chọn hàng đầu

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công 04/12/2023 - 08:59

Những năm gần đây, chất lượng dịch vụ giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, lượng hành khách chưa tăng được như kỳ vọng. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã có nhiều cách làm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt.

buyt-1.jpg
Nhân viên bán vé giúp đỡ người cao tuổi lên xe.

Đa dạng hành khách sử dụng

Nếu như cách đây khoảng 5 năm, xe buýt có lượng khách chủ yếu là học sinh, sinh viên thì hiện nay, đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sử dụng xe buýt, đặc biệt là người ở khu vực nội thành. Có được kết quả trên là nhờ các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận tải đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo số liệu của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, sản lượng 9 tháng năm 2023 ước đạt được 350 triệu lượt khách, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, rất nhiều điểm dừng xe buýt được lập mới hoặc điều chỉnh gần với các cơ quan, xí nghiệp có đông lao động để cán bộ, nhân viên giảm quãng đường đi bộ tới điểm chờ xe buýt, tăng độ hấp dẫn của loại phương tiện này.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Anh, giảng viên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi rất ngại đi xe buýt vì quãng đường từ nhà đến trạm chờ xe buýt khá xa, tôi phải đi bộ mất nhiều thời gian nên thấy bất tiện. Mấy năm nay, mắt tôi kém đi, đi xe máy khá nguy hiểm, thêm vào đó, gần nhà tôi vừa có thêm một trạm chờ xe buýt nên tôi không thấy ngại ngần gì nữa. Thậm chí tôi thấy đi xe buýt rất văn minh, hành khách được phục vụ thân thiện nên tôi đã chuyển hẳn sang đi xe buýt đi làm hằng ngày”.

PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã chia sẻ tại buổi tọa đàm “Cách nào nâng chất lượng xe buýt Thủ đô?” (được tổ chức vào ngày 17-11): “Trong những năm qua, đặc biệt là từ giữa năm 2022, phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe buýt, đã có nhiều cải tiến về phương thức phục vụ, hoạt động nền nếp hơn, độ "phủ sóng" lớn hơn, có thể thấy điều đó qua số lượng tuyến, số phương tiện, số lượng người sử dụng, tần suất hoạt động đến chất lượng dịch vụ mà các doanh nghiệp xe buýt cung cấp”.

Ông Nguyễn Văn Hoan (ở xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) năm nay đã 80 tuổi, chia sẻ: “Nhờ có xe buýt mà tôi có thể đi thăm bạn bè khắp nơi trên thành phố Hà Nội mà không phải nhờ con cháu đưa đi. Ngoài ra, tôi còn được miễn tiền vé xe vì thuộc đối tượng người cao tuổi. Tôi thấy đi xe buýt rất an toàn, văn minh, giúp giảm tai nạn và ùn tắc giao thông nên thường vận động con cháu sử dụng xe buýt để đi làm hằng ngày”.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn còn “khoảng trống” hành khách tiềm năng chưa được khai thác triệt để, đặc biệt là học sinh trung học phổ thông. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc đường vào giờ tan học tại khu vực trước cổng trường THPT cũng như học sinh vi phạm Luật Giao thông. Chính vì thế, nhà trường, gia đình và xã hội cần chung tay giáo dục, vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện để học sinh lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, qua đó đảm bảo an toàn cho học sinh và góp phần giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường.

buyt-2.jpg
Xe buýt giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm phát thải ô nhiễm môi trường.

Không ngừng nâng cao chất lượng

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang hướng đến mục tiêu đáp ứng từ 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự vào cuộc và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị cũng như người dân.

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Trung tâm đang thí điểm triển khai vé điện tử đối với 24 tuyến buýt, nâng cao chất lượng của nhà chờ, điểm dừng xe buýt; các đơn vị vận tải đầu tư nâng cấp phương tiện, nâng cao thái độ phục vụ... để người dân khi nghĩ đến xe buýt là nghĩ đến phương tiện góp phần bảo vệ môi trường, phương tiện giao thông văn minh, là lựa chọn hàng đầu, có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại bất cứ đâu trong thành phố Hà Nội”.

Ông Thái Hồ Phương cho biết thêm, hiện nay, tốc độ bình quân của xe buýt trong nội đô khoảng 16,6km/giờ, còn tại ngoại thành khoảng 26,8km/giờ. Người dân rất mong muốn tốc độ xe buýt được tăng lên và điều đó có thể thực hiện được nhờ vào sự đồng lòng từ 2 phía. Khi số người sử dụng phương tiện công cộng tăng lên thì đương nhiên phương tiện cá nhân sẽ giảm xuống, đường thông thoáng hơn và tốc độ di chuyển của xe buýt sẽ nhanh hơn. Để cải thiện chất lượng phục vụ của xe buýt, Trung tâm rất mong muốn nhận được sự phản ánh khách quan, đa chiều của người dân, các cơ quan thông tấn báo chí để chúng tôi khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ, nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt cũng được thành phố Hà Nội quan tâm. Trong buổi tọa đàm “Hướng tới hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững”, do Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hà Nội phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới và Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức ngày 21-11, có nội dung đề cập tới vấn đề xây dựng hệ thống quản lý và điều hành phương tiện công cộng nhằm mục đích hỗ trợ, quản lý, điều hành tập trung các phương tiện giao thông công cộng, đảm bảo đồng thời phát huy năng lực điều hành của các công ty trực thuộc và yêu cầu quản lý, điều hành chung theo quy định.

Cụ thể, hệ thống có chức năng sử dụng nền tảng bản đồ số giao thông chung; quản lý các đơn vị vận hành (các công ty kinh doanh vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hóa như các hãng xe taxi, xe buýt nội đô, xe buýt đường dài, xe cho thuê, metro...). Các đơn vị tham gia hệ thống được cấp tài khoản truy cập hệ thống để tự quản lý công ty của mình, đồng thời, hệ thống có khả năng thu thập dữ liệu liên quan.

buyt-3.jpg
Transerco tổ chức hội thi cấp cơ sở để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt.

Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội (HAPTA) cho biết: “Theo tôi, xe buýt cần có làn đường dành riêng, có thể không phải đường dành riêng toàn tuyến nhưng đoạn nào có thể mở thì nên mở. Đường dành riêng không chỉ giúp giảm thời gian di chuyển của xe buýt mà trong các tình huống khẩn cấp, các xe ưu tiên như cứu hỏa, chữa cháy có thể đi vào để thực hiện nhiệm vụ”.

Về vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, ông Nghiêm Quốc Thắng khẳng định rằng, về cơ bản chất lượng phương tiện của thành phố đã rất tốt, nhưng thái độ phục vụ vẫn cần được nâng lên. Ông Nghiêm Quốc Thắng tin tưởng, nếu các đơn vị vận tải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt thì lượng hành khách chắc chắn sẽ tăng rất nhiều, và xe buýt sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân mỗi khi cần di chuyển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để xe buýt là lựa chọn hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.