(HNMO) - Chiều 4-12, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với chủ đầu tư BOT An Sương - An Lạc và các cơ quan chức năng về việc thu phí tại trạm này. Theo đó, Trạm thu phí An Sương - An Lạc đang thực hiện việc thu phí theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thời hạn thu phí đến 31-1-2033 do đầu tư xây dựng thêm 4 cầu vượt tại các nút giao trên tuyến.
Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc đã hoạt động trở lại bình thường ngày 4-12. |
Liên quan vụ hàng loạt tài xế không đồng ý mua vé và dừng xe tại làn thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) không chịu qua trạm và cho rằng thời hạn thu phí đã quá 31 tháng, yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ trạm thu phí, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng IDICO cho biết, có sự hiểu nhầm về toàn bộ dự án BOT An Sương - An Lạc. Việc tiếp tục thu phí là để hoàn vốn đầu tư các các hạng mục nút giao trên tuyến với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng và thời gian thu phí đến 31-1-2033.
Dự án BOT đầu tư quốc lộ 1, đoạn từ An Sương đến An Lạc (quận Bình Tân) được Chính phủ chấp thuận năm 2000, sau đó có điều chỉnh và bổ sung vào năm 2003 theo quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải. Trong đó, dự án ban đầu là cải tạo, nâng cấp đoạn quốc lộ 1 từ An Sương đến An Lạc có chiều dài 14km, mở rộng 6 nút đồng mức và xây dựng bổ sung 6 cây cầu trên tuyến với tổng mức đầu tư hơn 831 tỷ đồng. Dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 31-12-2004, thời gian thu phí 145 tháng, tức đến ngày 31-1-2017 hết thời hạn.
Trước khi kết thúc thời gian thu phí dự án ban đầu, đơn vị này được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước cho phép tiếp tục đầu tư bổ sung vào hợp đồng BOT thêm 4 công trình, nâng thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư các hạng mục này kéo dài từ ngày 1-2-2017 đến 31-1-2033.
Cụ thể, lần đầu tư bổ sung thứ nhất là công trình cầu vượt tại nút giao tỉnh lộ 10/quốc lộ 1 và tỉnh lộ 10B/quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704 tỷ đồng, thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác vào ngày 30-8-2013; đầu tư bổ sung thứ hai là công trình cầu vượt tại nút giao hương lộ 2/Tây Lân/quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng, đưa vào sử dụng ngày 31-12-2014; đầu tư bổ sung thứ ba là công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/quốc lộ 1 với tổng số vốn hơn 511 tỷ đồng, đưa vào khai thác ngày 17-5-2017.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải thành phố cũng khẳng định, thời gian thu phí đến năm 2033 cũng chỉ là dự kiến, sẽ căn cứ vào doanh thu và kết quả thực tế xem xét điều chỉnh. Nếu doanh thu tăng thì thời gian thu phí sẽ được giảm đi, còn doanh thu ít thì sẽ tăng thời gian thu phí.
Hiện tại trạm thu phí này đã hoạt động trở lại bình thường và không có tài xế tụ tập để phản đối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.