Ngày 27-7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Tham dự có lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, tướng lĩnh, thương binh, bệnh binh và đại biểu là người có công tiêu biểu.
Tại buổi họp mặt, bà Phạm Thúy Hưởng, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhe xúc động: Những người lính đã cống hiến tất cả cho sự nghiệp bảo vệ đất nước. Họ đã đánh đổi cuộc sống, gia đình, tình yêu và những ước mơ của bản thân để bảo vệ độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc.
"Chúng tôi nguyện tiếp tục sống gương mẫu, vươn lên làm kinh tế, hoạt động tích cực để cống hiến cho xã hội, cùng chung sức, chung lòng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển...", bà Phạm Thúy Hưởng chia sẻ.
Đại diện thế hệ trẻ thành phố Hồ Chí Minh, đại úy Võ Thị Bích Phương, Phó Trưởng ban Thanh niên Công an thành phố, cũng là công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2023 khẳng định, tuổi trẻ thành phố sẽ quyết tâm xung kích, dấn thân trong mọi mặt trận, sẵn sàng đón nhận những việc khó theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gửi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng... những người đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc ta, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, buổi họp mặt không chỉ ôn lại truyền thống mà còn là dịp để lắng nghe những ý kiến, chia sẻ từ những tấm gương của các thế hệ đi trước. Qua đó, để thế hệ hôm nay nhận thức sâu sắc và tiếp tục phát huy, lan tỏa những giá trị tích cực, nối tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha ông.
"Từng cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và cá nhân làm công tác chính sách tập trung rà soát và thực hiện tốt hơn, thể hiện bằng những hành động cụ thể, thường xuyên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời, đề nghị các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến về việc thực hiện chính sách dành cho người có công với cách mạng để nâng cao hiệu quả thời gian tới", ông Phan Văn Mãi đề nghị.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang quản lý 73.655 đối tượng chính sách. Năm 2024, thành phố dự trù kinh phí hơn 90 tỷ đồng (tăng gần 21% so với năm 2023) cho các hoạt động tri ân, chăm lo, hỗ trợ.
* Cùng ngày, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố tổ chức Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi). Dự lễ, các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc, chức việc các tôn giáo, đại diện các giới, các tầng lớp nhân dân thành phố đã thành kính dâng hoa và thắp nén hương thơm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Phước Lộc xúc động chia sẻ: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chứng tích chiến tranh, triệu triệu nỗi đau vẫn còn đó. Trong những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng, đưa lên hàng đầu chính sách đối với người có công với đất nước, xác định công tác chăm lo thương binh, liệt sĩ, người có công là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng.
Tại Bến Dược, có 44.520 liệt sĩ được khắc tên, bao gồm 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành khác đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.